Huyện Đan Phượng cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai trong quá trình đô thị hóa
Xác định hai khâu đột phá trong năm 2020
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, năm 2019, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao như thu ngân sách đạt 152%, giải quyết việc làm cho người lao động đạt 164%, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,25% xuống còn 0,26%. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ (45,7%), công nghiệp - xây dựng (48,6%), giảm tỷ trọng nông nghiệp (5,7%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,8 triệu đồng, đạt trên 106% kế hoạch.
Đan Phượng là huyện đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện Nông thôn mới của Hà Nội vào năm 2015. Đến nay, Đan Phượng vẫn là huyện đi đầu của thành phố trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020 với 9/15 xã của huyện được thành phố công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Chất lượng y tế, giáo dục ngày càng được nâng cao, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện là 49/52 trường, trong đó có 4 trường đạt chuẩn mức độ 2, là huyện đứng top đầu của Hà Nội về xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Năm 2020, Đan Phượng xác định 2 khâu đột phá là: Nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đan Phương tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch bằng các giải pháp, biện pháp cụ thể. Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, các trường học đã trang bị trên 1.800 nhiệt kế/1.000 lớp học, đạt trung bình 1,8 chiếc/lớp; chuẩn bị xà phòng và lắp bổ sung với tổng số trên 3.500 vòi nước đáp ứng nhu cầu vệ sinh cho cán bộ, giáo viên, học sinh khi đi học trở lại.
Về công tác tổ chức đại hội Đảng, Đan Phượng đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 100% các chi bộ trực thuộc Đảng ủy tổ chức đại hội thành công, bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ. Công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở đang được tiến hành khẩn trương. Hiện các cấp ủy trực thuộc đang tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị để tổ chức, phấn đấu cơ bản hoàn thành Đại hội các cơ sở trực thuộc trong tháng 5.
Trong các tháng cuối năm, Đan Phượng xác định thực hiện nhiệp vụ "kép" theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố; tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân do bị ảnh hưởng bởi Covid-19; tái cơ cấu các ngành kinh tế, thu hút đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành kinh tế. Tập trung hoàn thành xây dựng Nông thôn mới nâng cao tại 15/15 xã; triển khai hiệu quả đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận trong 5 năm tới.
Tinh thần tái khởi động kinh tế cần quyết liệt ở tất cả các đơn vị
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cơ cấu kinh tế Đan Phượng phát triển đúng hướng, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Điểm sáng nhất của Đan Phượng là đi đầu xây dựng Nông thôn mới và đang phấn đấu 100% các xã đạt chuẩn nâng cao về Nông thôn mới; thu nhập người dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; giáo dục, y tế được nâng cao.
Cùng với đó, huyện Đan Phượng là quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, nội bộ đoàn kết, nhất trí. Trong 4 năm qua không có tổ chức cơ sở Đảng xếp loại yếu kém, điều này cho thấy sự thống nhất, đoàn kết trong cấp ủy...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 4 tháng tình hình phát triển kinh tế và chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội khá thấp, giải ngân đầu tư công trong 4 tháng còn ách tắc khi chỉ đạt 18 - 19%, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh tinh thần tái khởi động kinh tế cần quyết liệt hơn ở tất cả các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã bởi nếu không chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả năm không thể đạt được mục tiêu.
"Giai đoạn này ngoại thành cần hỗ trợ cho nội thành khi ngoại thành có tiềm năng hơn về sản xuất nông nghiệp, đấu giá đất", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý các điểm huyện cần chú ý trong quá trình phát triển lên quận, trong quá trình đô thị hóa. Cụ thể, các địa phương cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai để không xảy ra tiêu cực, làm mất ổn định xã hội; xây dựng cán bộ có tầm nhìn và năng lực, có tư duy phát triển, có năng lực quản lý; cần đề phòng tâm lý chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được, mặt khác đề phòng tâm lý trì trệ thiếu năng động, sáng tạo, đưa mình vào thế khó phát triển.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện tiếp tục công tác chống dịch, nới lỏng nhưng không được lơi lỏng, không cứng nhắc trong giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan trong phòng dịch.
Về sản xuất, kinh doanh, huyện cần mở mặt trận thứ hai về phát triển kinh tế. Tinh thần là phải quyết liệt, bài bản, phân công rõ trách nhiệm để sàng lọc cán bộ, trọng dụng người tài, những người dám làm dám chịu, loại bỏ cán bộ né trách trách nhiệm.
Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phát triển nông nghiệp, phấn đấu tăng trưởng trên 4% trong năm 2020; tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy đầu tư công, tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển; phát triển khu, cụm công nghiệp, làng nghề, mở thêm các điểm công nghiệp mới; khuyến khích hộ kinh doanh phát triển.