Huy động tinh thần, đẩy mạnh quyết tâm trong triển khai Chương trình 06-CTr/TU

Sau 2 năm triển khai Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục. Tuy nhiên trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi tinh thần và quyết tâm hơn nữa từ các cấp, ngành.
Đầu tư xây dựng 3-5 trường liên cấp với cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực

Tích cực xây dựng không gian văn hóa, đẩy mạnh quảng bá du lịch

Một trong những trọng tâm của Chương trình 06 là xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, tổ dân phố, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa.

Đến nay, TP có 88 % gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 63% thôn (làng) đạt danh hiệu Làng văn hóa, có 72.5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Đáng kể, Cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hoá công nghiệp" trong công nhân viên chức lao động Thủ đô gắn với phong trào xây dựng "cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa" được triển khai tích cực. Đến nay, Hà Nội đã công nhận đối với 795 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp TP giai đoạn 2016-2021. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt 71,8% trên tổng số đăng ký.

Tại địa bàn nhiều khu dân cư, các mô hình "Đội hình 3+", "Ngày thứ 7 tình nguyện", "Ngày Chủ nhật xanh", "Thả cá không thả túi nilon" được duy trì hiệu quả hàng tuần nhằm xóa điểm đen về rác, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, tích cực triển khai các mô hình làm đẹp môi trường, cảnh quan đô thị...

Một số địa phương đã tích cực xây dựng không gian văn hóa, không gian mang tính cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của Nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần; Điển hình như: Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) và tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng).

Lễ hội Áo dài Hà Nội 2022 là sự kiện văn hóa tiêu biểu của Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch
Lễ hội Áo dài Hà Nội 2022 là sự kiện văn hóa tiêu biểu của Hà Nội, góp phần thu hút khách du lịch

Đặc biệt sau dịch COVID-19, phát triển du lịch được đẩy mạnh bằng tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ, các giải thi đấu thể thao quốc tế, các hoạt động giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô nhằm thu hút đối tượng khách du lịch lưu trú dài ngày như: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội, Hành trình Hữu nghị năm, Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài…

Năm 2022, Hà Nội đã đón 18,7 triệu lượt khách (tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021). Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Đặng Hương Giang cho biết, trong số này, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng (tăng gấp 5,3 lần so với năm 2021).

Dù lượng khách đến Hà Nội chưa đạt được mức như trước dịch COVID-19, nhưng đây là dấu hiệu hết sức khả quan cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2023.

Anh Nguyễn Anh Vũ ( trú tại phố Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Trải qua hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những người dân làm kinh doanh khu vực phố cổ gặp rất nhiều khó khăn khi vừa phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, vừa không có nguồn thu nhập vì không có khách du lịch tham quan, mua sắm... "Năm 2022, nhờ các giải pháp của chính quyền và nỗ lực của doanh nghiệp, du lịch đã "phục hồi", du khách trở lại và nhiều nhoạt động du lịch được đẩy mạnh khiến tinh thần người dân cũng được "sốc" lại. Giờ là lúc người dân chung tay cùng chính quyền làm nên những đột phá mới cho du lịch Thủ đô"- anh Vũ cho biết.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 06-CTr/TU là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Thực hiện nhiệm vụ này, TP đã triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 06 Thành ủy Hà Nội cho thấy, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định.

Tính riêng năm 2022, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh cho 251.500 lượt người đạt 112% kế hoạch; Có trên 197.000 học sinh, sinh viên, học viên tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...

Nhiều kết quả tích cực trong triển khai Chương trình 06-CTr/TU
TP Hà Nội đã triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học

Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 0,3% so với kế hoạch đề ra năm 2022.

Ngành GD&ĐT cũng phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 21.000 lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Trong năm 2022, TP tổ chức 236 phiên giao dịch việc làm với 6.287 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là trên 118.100 người. Số lao động được tuyển dụng tại phiên trên 16.100 lao động; Đã giải quyết việc làm cho trên 195.000 lao động. Công tác giải quyết việc làm tăng 24% năm 2022 đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước đạt mức dưới 4%.

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy là một chương trình công tác lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực. Những kết quả TP đạt được trong 2 năm qua đã góp phần thiết thực bảo tồn di sản; Cải thiện đời sống tinh thần người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề… Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra, đòi hỏi các đơn vị của TP cần đổi mới cách làm, bảo đảm tiến độ Chương trình.

Trong đó, còn hai chỉ tiêu chưa đạt, đó là số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đạt 1.067 buổi (kế hoạch là 3.000 buổi); Xếp hạng di tích cấp TP đạt 21 di tích (kế hoạch là 25).

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực còn gặp những khó khăn, điển hình như công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại khu vực nội thành. Công tác giáo dục di sản, các hoạt động trải nghiệm của ngành giáo dục… còn chưa được triển khai tương xứng. Việc xây dựng thiết chế văn hóa tại khu vực nội thành cũng còn nhiều vướng mắc, khiến các phường khó đạt được tiêu chí phường văn minh đô thị. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu quỹ đất, thiếu cơ sở vật chất để xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng…

Để triển khai Chương trình 06 đạt kết quả tốt trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong yêu cầu các Sở, ngành chú trọng việc tham mưu cho Thành ủy về xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố khuyến khích các mô hình làm hay trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ; Có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình 06 và ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch. Sở GD&ĐT cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Thủ đô; chú trọng công tác quản trị trường học, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chú trọng tính kế hoạch trong các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… có tính thường niên lâu dài. Đối với các tuyến phố đi bộ, cần chú trọng tính đặc trưng của từng địa phương, trong đó có sự điều tiết của TP để tháo gỡ khó khăn hiện nay, góp phần phát triển hiệu quả.

Hạnh Nguyên
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động