Hương Tết những ngày xưa…!

Chẳng hiểu sao cứ mỗi độ Tết đến xuân về lại thấy vang âm trong sâu thẳm cõi lòng một chuỗi thanh âm vừa ân cần vừa da diết: “Tết, dù có đi đâu, cũng nhớ về với mẹ…!”

Dạ vâng, thưa mẹ…! Tết, dẫu có phiêu dạt nơi đâu, chúng con cũng muốn về sum vầy trong vòng tay thương yêu của mẹ!

undefined

Về với mẹ để ngược chuyến tàu thời gian quay lại những năm tháng tuổi thơ, để được đắm chìm trong không gian vừa ấm áp vừa thiêng liêng của những ngày giáp Tết.

Tết đến với quê nghèo dẫu đơn sơ, bình dị mà vẫn hân hoan, náo nức biết bao. Khi những cây lúa vừa bén rễ lên xanh đợi chút nắng xuân gọi thì con gái, cũng là lúc những cành đào trong vườn nảy lộc, ủ bông để thêm nhuận sắc xuân sang. Cha lụi cụi chở những xe lá dong rao bán khắp đường làng. Mẹ lúi húi với mảnh vườn nhỏ có dăm luống rau xanh. Cả cái Tết nhà mình đều trông chờ ở đó.

Rồi tết đến! Con thấy Tết đến từ ngày hai chín, ba mươi, khi chợ làng nhộn nhịp bán mua, khi đường thôn, ngõ xóm trẻ thơ nô đùa, rộn rã. Những cây nêu dựng lên ở đầu ngõ để gửi những mơ ước mùa màng bội thu, xua đi tai ương, vận hạn. Những hạt mướp hương được thả vội xuống góc bờ rào phòng cho những ngày giáp hạt tháng ba.

Tết đến, anh em con đứa nào cũng xúng xính trong bộ quần áo mới. Những chiếc áo len dạy sụ thuở nào vẫn còn giữ ấm cho chúng con đến tận bây giờ. Tết, bố ngồi khoanh chân gói bánh chưng giữa sân nhà, mẹ tất tưởi với vại hành, vại dưa cho ba ngày mưa xuân sau Tết.

Mờ sáng ngày hai chín, lợn kêu í éc khắp làng. Lũ trẻ rón rén, mở chăn đi tắt bờ rào sang nhà trưởng họ. Sáng rõ mặt người, những tảng thịt lợn tươi roi rói đã pha xong, mùi vị thơm ngon của cổ lòng cũng vừa kịp đến. Các ông, các bố nhâm nhi bên chén rượu gạo tháng mười. Các bà, các mẹ vẫn tất tưởi dọn dẹp sân trong, sân ngoài. Đám trẻ con thì tụm lại một chỗ với mâm cổ riêng vui sướng đến nức lòng. Gà gáy canh năm, ai về nhà nấy.

Chiều ba mươi, mẹ nấu nồi nước lá thơm cho con gội đầu, rửa mặt. Ba mươi năm rồi, cái mùi hương củ sả, cây mùi, lá bưởi…quyện lẫn vào nhau vẫn cứ vương vấn tóc con.

Đêm giao thừa, cha kính cẩn dân hương trước bàn thờ Tổ tiên, nhắc nhở chúng con không quên nguồn cội. Mâm cổ giao thừa những ngày thương đó, chẳng bao giờ thiếu đĩa bánh mật hay bát chè quế của mẹ. Những món ăn ấy bây giờ không còn nữa. Nhưng hương vị đêm giao thừa của những ngày đói khát thì vẫn vẹn nguyên.

Anh em chúng con giờ mỗi đứa một phương nhưng lòng lúc nào cũng hướng về quê mẹ. Tết này chúng còn lại về với mẹ, để đêm giao thừa tìm lại những hương xưa.

Đặng Ngọc Khương
Phiên bản di động