Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ - Lễ hội độc đáo mang bản sắc Việt

Sáng 15/3, Sở VH&TT Hà Nội và UBND quận Tây Hồ tổ chức Toạ đàm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ”, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Quận Đống Đa thực hiện hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023 Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023 với chủ đề: "Kết nối di sản phát triển du lịch" Huyện Thanh Trì làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội Đặc sắc Lễ hội 5 làng Mọc

Một nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội

Tại toạ đàm, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử đã tham góp ý kiến nhằm củng cố, xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đền Đồng Cổ được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, gắn liền với Hội thề Trung hiếu với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông tại làng Đông xưa (nay là số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Xưa kia, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại Lý. Kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.

Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hằng năm, chính quyền và Nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại buổi toạ đàm
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến phát biểu tại buổi toạ đàm (ảnh Lại Tấn)

Phát biểu tại toạ đàm, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: “Đền Đồng Cổ gắn liền với Hội thề Trung hiếu là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ ở đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu - một lễ hội độc đáo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam”.

Theo các chuyên gia, mặc dù về hình thức tổ chức có sự thay đổi, nhưng lễ hội Đền Đồng Cổ vẫn là lễ hội của triều đình, hướng về nguồn cội, khai thác sức mạnh niềm tin, sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều, thể chế.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Năm Nhâm Ngọ (1042), cùng với việc ban hành bộ “Hình thư” và đúc tiền “Minh Đạo” khai mở truyền thống luật pháp thân dân của quốc gia văn hiến, vua Lý Thái Tông ra lệnh “phạt đánh 50 trượng những người vắng mặt trong buổi hội thề”.

Trừ một số ít quan lại vì lý do riêng tìm cách trốn tránh hội thề đã bị phạt đánh 50 trượng, còn hầu hết tôn thất, quan lại trong triều và mọi người dân ở trong và ngoài kinh thành Thăng Long đều về dự hội thề với tinh thần tận trung, tận hiếu, cầu mong cho quốc thái dân an.

Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ thực sự là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long, không chỉ đời Lý và các đời Trần, Lê, mà cho đến ngày nay cũng vẫn được duy trì, tiếp nối.

Nét đặc sắc của Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa, hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình, đất nước.

“Lễ hội sắp được tổ chức tới đây sẽ là lễ hội thứ 995 và chỉ còn 5 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến lễ hội tròn thứ 1.000 với kỳ vọng lễ hội vẫn giữ được các giá trị truyền thống nhưng lại thật sự đổi mới và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển, biến đổi của Thủ đô, đất nước và thời đại” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Cần phát huy nét văn hoá của “Hội thề Trung hiếu”

Theo UBND quận Tây Hồ, để hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội Đền Đồng Cổ, quận đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản và ý nghĩa của “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ”, nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm.

Đặc biệt, quận Tây Hồ đã xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ phường Bưởi” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Gợi ý về việc xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL, các nhà khoa học nhấn mạnh, hồ sơ cần nhận rõ giá trị khác biệt, độc đáo của Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ. Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hồ sơ cần tập trung nêu rõ 6 giá trị, 3 giải pháp.

Đền Đồng Cổ
Đền Đồng Cổ (ảnh Lại Tấn)

Giá trị đầu tiên cần nhấn mạnh là trong gần 500 di sản văn hoá phi vật thể, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Điều đó chứng tỏ, Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ - lễ hội độc đáo mang bản sắc Việt
Các đại biểu nhất trí về việc cần làm "sống lại" và phát triển giá trị văn hoá phi vật thể của Hội thề đền Đồng Cổ

Từ giá trị đặc biệt kể trên, Sở VH&TT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cần làm hồ sơ một cách “bình thường” để di sản được sống trong đời sống đương đại. Bởi, di sản văn hoá phi vật thể không thể quay ngược trở lại, thực hiện như trong quá khứ.

Cùng với đó, hồ sơ cần nhấn mạnh giá trị về sự trao truyền hội thề qua các thế hệ, di sản đã được “sống” trong cộng đồng ra sao để có định hướng trong bảo tồn, phát huy giá trị.

Các chuyên gia khuyến nghị, di sản văn hoá phi vật thể “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ” cần phải tạo ra giá tri mới; xác định rõ giá trị về không gian kiến trúc, di sản tư liệu (văn bia, chữ cổ, hiện vật).

Ba giải pháp để phát huy các gia trị được đưa ra gồm: Kết nối đền Đồng Cổ với di tích khác trên địa bàn quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tăng cường giáo dục di sản văn hoá phi vật thể “Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ”; chính quyền cần có kế hoạch chỉnh trang, mở rộng không gian di sản Đền Đồng Cổ, điều chỉnh lại những điểm chưa hợp lý.

Hoa Thành
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động