Hoài Đức: Vi phạm tràn lan, chính quyền buông lỏng quản lý?
Buông lỏng quản lý?
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải loạt bài phản ánh về những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý triệt để, khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc dung túng cho vi phạm.
Đơn cử là tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực cổng Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) khi có cả chục công trình xây dựng từ 3 đến 4 tầng được xây dựng kiên cố và đã đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, tại thị trấn Trạm Trôi cũng xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, tại Khu 7 đã mọc lên hàng loạt công trình, nhà ở kiên cố, xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện số ít các công trình đã được tháo dỡ được cho là chính quyền địa phương ''ra tay'' xử lý vi phạm.
Liên quan đến việc này, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức từng thừa nhận các vi phạm và cho biết việc để xảy ra sự việc nêu trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc Chủ tịch UBND Thị trấn Trạm Trôi và Chủ tịch UBND xã Kim Chung.
"Quan điểm của huyện là kiên quyết không để vi phạm mới phát sinh, còn những vi phạm cũ thì phân loại ra theo luật để xử lý, cái nào phải cưỡng chế, tháo dỡ và cái nào được tồn tại phải căn cứ vào luật", vị này khẳng định.
Khẳng định của đại diện huyện Hoài Đức là như vậy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, rất nhiều công trình vi phạm vẫn đang công nhiên tồn tại, không có dấu hiệu nào cho thấy là đã xử lý dứt điểm.
Có quy hoạch nào cho phép 4 trạm trộn bê tông hoạt động sát nhau như thế này không? |
Ngoài những vi phạm như đã đưa ở trên, tại địa bàn huyện Hoài Đức hiện tại xuất hiện hàng chục trạm trộn bê tông trái phép, gây hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Vi phạm tập trung nhiều nhất quanh khu vực cầu vượt An Khánh, cụm công nghiệp xã Lại Yên khi hàng loạt trạm trộn bê tông với quy mô rất lớn công nhiên tồn tại trái phép, hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật như: Bê tông An Phúc, A&P, Licogi 12.1, Sung Shin Vina, HT 86, nhà Máy sản xuất bê thông thương phẩm Việt Tiệp...
Theo ghi nhận của phóng viên, các trạm trộn bê tông được xây dựng trên những khu đất lên tới hàng chục nghìn m2. Thậm chí, mật độ trạm trộn còn xuất hiện dày đặc quanh khu vực đường Đại lộ Thăng Long (xã An Khánh) và cụm công nghiệp Lại Yên (xã Lại Yên).
"Các trạm trộn bê tông như An Phúc, A&P, Licogi 12.1 đã hoạt động nhiều năm nay nhưng đa số là hoạt động không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường và từng thuộc diện di dời, dẹp bỏ nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại", một người dân đặt câu hỏi.
Cũng theo ghi nhận, tại huyện Hoài Đức, chỉ tính riêng tại khu vực có 5 Cụm công nghiệp là Trường An, La Phù, Di Trạch, Cầu Nổi, Lại Yên hiện tồn tại gần 20 trạm trộn bê tông trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm, vận hành hết công suất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên
Liên quan đến việc này, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ với đại diện chính quyền địa phương từ cấp xã tới cấp huyện nhưng hầu hết đều né tránh, không cung cấp hồ sơ. Thậm chí, khi phóng viên nhắn tin gửi thông tin cho các vị lãnh đạo này để có phương án xử lý nhưng cũng không có phản hồi nào.
Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng từ Chính phủ, TP Hà Nội đều chỉ đạo kiên quyết xử lý những vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc buông lỏng quản lý để các trạm trộn bê tông ngang nghiên hoạt động, thách thức sự kiên nhẫn của người dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật tại huyện Hoài Đức (sẽ được công nhận là quận Hoài Đức vào năm 2020) như chúng tôi phản ánh không phải vừa mới diễn ra.
Trụ sở UBND huyện Hoài Đức. |
Hơn nữa, nhiều ý kiến còn cho rằng phải chăng chính quyền huyện Hoài Đức không biết đến quy định cung cấp thông tin, trả lời báo chí theo Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21/01/2014 của Thành ủy Hà Nội và Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội của UBND TP Hà Nội.
Đặc biệt, tại Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn của các cấp Sở, ngành, địa phương có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí khi xảy ra các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội hoặc khi dư luận xuất hiện nhiều ý kiến không thống nhất về một vấn đề thuộc phạm vi quản lý cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn phải thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 24h, kể từ khi vụ việc xảy ra.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu đơn vị, cá nhân liên quan trong cơ quan cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí.
Quyết định cũng nêu, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy chế được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Chiếu theo văn bản trên, hiện tại UBND huyện Hoài Đức có vẻ như đang "phớt lờ" chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về cung cấp thông tin cho báo chí.