Hiệu quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình tại huyện Bình Xuyên

Nhận thức được sự quan trong của công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) xác định nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuổi trẻ Bình Xuyên: Hành trình tri ân và xuân tình nguyện năm 2025 Huyện Bình Xuyên: Gỡ khó GPMB để tăng trưởng kinh tế 2 con số Sắp xếp tinh gọn bộ máy, địa giới hành chính là yêu cầu cấp thiết

Bà Nguyễn Anh Thư - Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên) cho biết: Bình Xuyên có dân số gần 140 nghìn người. Công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Hằng năm, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch triển khai, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dân số theo từng giai đoạn, từng nội dung hiệu quả và phù hợp với địa phương.

Các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ được đưa vào mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ huyện đến cơ sở. Các cơ quan, đơn vị đưa chỉ tiêu dân số làm tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm. Các thôn, khu phố đã gắn các quy định về việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào làm cơ sở đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư.

undefined
Hiệu quả công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình tại huyện Bình Xuyên

Trung tâm Y tế huyện cũng xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; đồng thời tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn chỉ đạo các xã, thị trấn trong thực hiện công tác dân số và phát triển; Phối hợp với Trung tâm văn hóa huyện tổ chức phát thanh tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh; hướng dẫn các xã, thị trấn phối hợp với Đài phát thanh tổ chức phát thanh tuyên truyền về dân số.

Huyện đã kiện toàn hệ thống cán bộ làm công tác dân số từ huyện tới các xã, thị trấn. Hiện nay, toàn huyện có 3 cán bộ làm việc tại Trung tâm Y tế; 13 cán bộ chuyên trách phụ trách các xã, thị trấn và 182 cộng tác viên phụ trách tại các khu dân cư.

Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đã làm tốt việc tuyên truyền để mọi người dân nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về DS - KHHGĐ, qua đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp và Nhân dân trong thực hiện chính sách DS - KHHGĐ; Duy trì và đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép nội dung dân số vào các cuộc họp, sinh hoạt của nhân dân tại khu dân cư thông qua các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Zalo,…trên các thiết bị thông minh như: điện thoại di dộng,… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức, từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Trong năm 2024, huyện đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các bà mẹ mang thai. Số phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh là 1291 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 95,8%, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023; Số trẻ được khám sàng lọc sơ sinh là 1633 trẻ, đạt 94%, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023; Tổ chức 7 hội nghị truyền thông nói chuyện chuyên đề về giới, giới tính, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, mất cân bằng giới tính khi sinh; cấp phát trên 2.300 tờ rơi với chủ đề: Hiểu biết đầy đủ, hành động đúng trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên những điều cần biết, làm mẹ an toàn.

Tư vấn qua điện thoại trên 200 lượt nội dung chủ yếu về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dấu hiệu có thai, các biện pháp tránh thai…Số nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là 8.855.

undefined
Hội thi tuyên truyền về dân số KHHGĐ

Kết quả thực hiện, số trẻ sinh ra trong năm 2024 là 1.738 trẻ; Tỷ số giới tính khi sinh 108 bé trai/100 bé gái đạt kế hoạch giao. Số người sinh con thứ 3 trở lên 174 người, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 10,2%; số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt tỷ lệ 70%, trong đó số áp dụng mới đạt 105% kế hoạch.

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo bà Nguyễn Anh Thư: Công tác DS – KHHGĐ trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là quy mô dân số đông, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Tỷ lệ áp dụng một số biện pháp tránh thai còn thấp.

“Trong thời gian tới, lực lượng làm công tác DS – KHHGĐ tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền tới nhân dân; huy động hơn nữa sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để từng bước nâng cao chất lượng dân số của địa phương”, bà Nguyễn Anh Thư khẳng định.

Lê Sơn
Phiên bản di động