Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các nhà băng tăng cường hợp tác, chung tay vượt khó khăn
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng tích cực giải ngân cho sản xuất kinh doanh Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm công bố room tín dụng mới cho các ngân hàng |
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thời gian gần đây, sau khi vụ việc bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lan sang các ngân hàng khác có liên quan đến dịch vụ trung gian phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cùng với vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, khó khăn trên thị trường bất động sản..., những tin đồn, tin tiêu cực trên thị trường tài chính cũng tác động lớn đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động ngân hàng (thanh khoản, nợ xấu, cho vay, thu hồi nợ...).
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, vừa qua, hiện tượng một bộ phận cán bộ công ty tài chính tiêu dùng thực hiện hành vi đòi nợ trái chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chúc năng thanh tra, điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Hành vi trái pháp luật này cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay.
Trước tình hình nêu trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi sự đồng thuận của các tổ chức hội viên, tăng cường hợp tác, chia sẻ, tin cậy hỗ trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay, giúp đảm bảo tính thanh khoản của từng ngân hàng nói riêng và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng nói chung. Tiếp tục duy trì và tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam các hội viên chủ động tiếp xúc, trao đổi, cung cấp thông tin chính thống cho báo chí để tránh việc hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc, đăng tải thông tin tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động ngân hàng.
Đối với các công ty tài chính tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị cần chấn chỉnh toàn bộ hoạt động cấp tín dụng bao gồm việc xét duyệt, cấp tín dụng, theo dõi, đôn đốc, thu hồi nợ, thỏa thuận và việc thực hiện thỏa thuận của công ty với các đối tác thu hồi nợ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát hành vi, ứng xử của cán bộ trong công tác thu hồi nợ. Trường hợp phát hiện vi phạm phải có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.