Hát Soọng Cô của người Sán Dìu nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nằm trong chương trình Lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019, chiều 20/3, tại Trung tâm Văn hóa Lễ hội Tây Thiên (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Soọng Cô của người Sán Dìu ở các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản văn hóa Việt Nam công bố Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, hát Soọng Cô của người Sán Dìu thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đợt này.
Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng Cô tại huyện Tam Đảo. Ảnh: Minh Hường
Soọng Cô là làn điệu dân ca đặc sắc được lưu giữ hàng trăm năm trong kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian ở Vĩnh Phúc. Theo tiếng Sán Dìu, soọng nghĩa là xướng, cô nghĩa là ca. Có lịch sử ra đời và phát triển gắn liền với đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng, nội dung của Soọng Cô rất phong phú, đề cập đến tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi trong lao động, ướm hỏi tỏ tình, thăm hỏi gia đình...
Qua khảo sát thực tế, Soọng Cô của người Sán Dìu có khoảng gần 1.000 bài. Là tiếng nói của người lao động. Vì vậy, ngôn ngữ trong Soọng Cô có nguồn gốc dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân.
Ngôn từ của Soọng Cô sử dụng từ tượng hình, tượng thanh khá phong phú và hấp dẫn. Cách xưng hô trong Soọng Cô thể hiện rõ phương thức diễn xướng hát đối đáp trực tiếp, chủ yếu ở ngôi thứ nhất và thứ hai. Đây là thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ được lưu truyền qua nhiều thế hệ; lời ca và giai điệu Soọng Cô mềm dẻo, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư, tình cảm của người hát.