Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội phải xử lý như trốn thuế
Khó có phương án tối ưu về bảo hiểm xã hội một lần Đề xuất tài xế xe công nghệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc Nghị trường Quốc hội "nóng" về quy định rút bảo hiểm một lần |
Xử lý trốn đóng bảo hiểm như trốn thuế
Trong phiên thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23/11, đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) cho biết, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài thời gian qua, tập trung ở khu vực sản xuất kinh doanh.
Mặc dù các cơ quan đã nhiều lần trao đổi, đưa ra giải pháp nhưng hiệu quả vẫn thấp, gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, hiện nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.
"Hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ỳ, trốn, chậm đóng kéo dài", đại biểu Thuý nói.
Đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang). |
Nếu áp dụng kinh nghiệm này của các nước, hiệu quả quản lý thu bảo hiểm xã hội sẽ được cải thiện, bớt đi việc bàn thảo, sửa đổi luật không cần thiết; giảm nhẹ gánh nặng về thanh tra, kiểm tra, tố tụng khiếu kiện, giải quyết vi phạm.
Trên cơ sở đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề xuất cơ quan thuế sẽ thu bảo hiểm xã hội bắt buộc và hành vi trốn đóng của các doanh nghiệp bị xử lý hình sự như tội trốn thuế.
Tăng chế tài xử lý chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) phản ánh, thời gian qua, tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ của người lao động.
Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang). |
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm, trốn đóng với các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: Khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, khi người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà họ vẫn không đóng hoặc đóng không đủ, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, số tiền doanh nghiệp trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2016 - 2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong năm, 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198 nghìn doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội . Về những hệ lụy, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng. Góp ý về hành vi trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo luật thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội . |