Hành chính sẽ không còn “Hành là chính” ở Hà Nội
Thủ tướng: Hà Nội phải là địa phương đi đầu, tiên phong số hóa Quốc hội “chốt” cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội |
Sáng 18/6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội Nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06/Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06/Chính phủ trên địa bàn.
Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06/Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm, đột phá để phát triển.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có căn cước công dân, được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử; các nhóm dữ liệu hội, đoàn thể; an sinh xã hội đang được thành phố triển khai và tiếp tục mở rộng để thực hiện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn thành phố...
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục là địa phương đầu tiên trên toàn quốc tham mưu, báo cáo trình HĐND TP xem xét việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho người dân khi thực hiện qua VneID; ngân sách thành phố thực hiện hỗ trợ khoảng 9,7 tỷ đồng cho đến hết ngày 31/12/2024.
Số lượng ước tính chi phí cắt giảm của các cơ quan Nhà nước khi giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như điện, nước, không gian, cơ sở vật chất giấy, in, nhân lực, thời gian lao động - ước giảm khoảng hơn 10 tỷ đồng/năm. Hiện nay, bình quân một ngày có bình 1.000 hồ sơ lý lịch tư pháp nộp qua VneID…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. |
Cùng đó, Hà Nội cũng đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thiện chính sách, triển khai các giải pháp đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử, giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung kết nối liên thông, chia sẻ thông tin với các ngành…
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội thu hơn 2.500 tỷ đồng thuế từ các sàn thương mại điện tử. Thành phố cũng đã triển khai thí điểm xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu sức khỏe người dân với ứng dụng “Công dân Thủ đô số” - thuận tiện trong tra cứu dữ liệu sức khỏe cá nhân về các chỉ số, yếu tố nguy cơ, kết quả khám chữa bệnh trước đó (khoảng 1,77 triệu dữ liệu sẵn sàng và tiếp tục cập nhật...).
Người dân trên địa bàn thuộc các trường hợp nhận hưởng trợ cấp an sinh xã hội, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hoàn toàn thực hiện việc nhận qua tài khoản nhanh chóng, thuận tiện/không còn mất thời gian đến các điểm giao dịch hoặc trụ sở UBND cấp xã để được nhận chế độ - giảm thời gian đi lại và bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhóm này (khoảng 51 tỷ đồng/năm).
Bên cạnh đó, tính đến ngày 20/6/2024 (sau 2 tháng triển khai), tổng số bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố là 64 điểm thuộc 9/30 quận, huyện, tăng 54 điểm và 7 quận, huyện so với thời điểm trước đó. Từ ngày 15/4/2024 đến ngày 6/6/2024 đã có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.
Người dân làm quen với ứng dụng iHanoi. |
Theo thống kê, việc tiết kiệm (do thất thu) cho người dân khoảng 10,2 tỷ đồng/năm và giảm chi ngân sách cho các doanh nghiệp trông giữ phương tiện khoảng hơn 4,2 tỷ/năm/64 điểm trông giữ.
Trên cơ sở tổng thể hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, Hà Nội đã cơ bản đạt được các tiêu chí đặt ra: Giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính, dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực thực hiện; giảm thủ tục hành chính; tăng chất lượng phục vụ, công khai - minh bạch mức độ hài lòng.
Đặc biệt, những kết quả trên đã thay đổi thói quen trong việc thực hiện giao tiếp giữa người dân - doanh nghiệp với cơ quan hành chính. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn thay đổi trong nhận thức từ việc đến với cơ quan hành chính là “Hành là chính” sang “cung cấp dịch vụ”, thay đổi từ việc “phải đến trực tiếp” bằng “sử dụng công nghệ” để giải quyết các yêu cầu.
UBND TP Hà Nội đánh giá rõ, với kết quả đạt được từ các hiệu quả quản lý thuế - quản lý giao thông đô thị - y tế - dịch vụ công công khai, minh bạch từ đó việc phòng chống tội phạm, ngăn ngừa tội phạm trong các lĩnh vực như: Trốn thuế; lợi dụng chính sách trục lợi, bảo kê... cơ bản được đẩy lùi; công cụ cho việc thực hiện đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự địa bàn được thực hiện hiệu quả.
Nhân dịp này, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và tích đạt được thành của các cấp, các ngành, các địa phương của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô trong triển khai thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ thời gian qua.
"Hà Nội sẽ cam kết hành động một cách quyết liệt, đặt mục tiêu lợi ích của quảng đại quần chúng Nhân dân, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Về mô hình hành chính công, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã quyết định thành lập tổ nghiên cứu cùng Văn phòng Chính phủ nghiên cứu được mô hình. Tinh thần chung là tháng 10 này, Hà Nội sẽ xin quyết định thành lập mô hình cấp sở vừa cung cấp dịch vụ công, đồng thời giám sát không làm thay chính quyền, không làm thay các bộ phận quận, huyện, thị xã được phân cấp ủy quyền cũng như giám sát đảm bảo sự công khai minh bạch và làm đầu mối để tiếp xúc với dân. Trong tháng 9-10 sẽ chính thức triển khai việc này.