Hàng loạt sai phạm tại Agribank - Bài 5: Làm mất trên 62 tỷ vốn Nhà nước, trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ kiện Dân sự diễn ra giữa nguyên đơn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và bị đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) kéo dài và kết thúc bằng bản án phúc thẩm số 71/2018 KDTM-PT ngày 03/5, 28/5, 29/5/2018 buộc Agribank phải trả số tiền 61.437.783.834 đồng cho VNPT. Ngày 10/12/2018 cơ quan thi hành án đã có quyết định thu hồi khoản tiền trên tại tài khoản của Agribank mở tại Vietcombank.
Làm mất trên 62 tỷ vốn Nhà Nước, trách nhiệm thuộc về ai? |
Điều khiến tất cả dư luận ngỡ ngàng đó là Agirbank chi nhánh Hà Nội bị mất trắng số tiền này mà không đòi được từ Công ty Hồng Quang (đơn vị được Agribank Hà Nội bảo lãnh). Tuy nhiên, không ai trong số các lãnh đạo và cán bộ Agribank Chi nhánh Hà Nội có liên quan gồm: Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc; Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, Trưởng Phòng tín dụng; Bà Phạm Thị Nga cán bộ tín dụng và ông Đặng Tiến Dũng, Phó giám đốc, người trực tiếp ký bảo lãnh thanh toán và đang làm giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội bị xử lý nghiêm khắc mà chỉ bị kiểm điểm "nội bộ".
Agribank chi nhánh Hà Nội. |
Mặc dù các bộ phận tham mưu của Agribank đã kiểm tra (Biên bản, đề xuất xử lý trách nhiệm kèm theo), xác định và đề xuất xử lý trách nhiệm của những người có liên quan đến khoản thất thoát gần 62 tỷ đồng trên, nhưng Hội đồng thành viên Agribank ( HĐTV), lãnh đạo Agribank đã lờ đi, cố tình cho qua.
Bất chấp quy định hơn khi tháng 4/2019, Chủ tịch HĐTV Agribank là ông Trịnh Ngọc Khánh đã ký thông báo tiếp tục cho bà Phạm Thị Hằng làm Giám đốc chi nhánh Hà Nội dù đã hết 02 nhiệm kỳ giám đốc, theo quy định phải nghỉ, chuyển công tác khác do thời gian công tác còn lại của bà này tới khi nghỉ hưu chỉ 1 năm.
Hàng loạt sai phạm khiến thất thoát ngân sách. |
Vì sao lại như vậy? Thứ nhất, bà Phạm Thị Hằng là người trực tiếp ký báo cáo thẩm định ngày 29/10/2010 về thẩm định khoản bảo lãnh, ký chính tờ trình xin Agribank cấp bảo lãnh vượt hạn mức cho Công ty Hồng Quang. Thứ hai, bà Phạm Thị Hằng giữ cương vị Giám đốc, người chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành chi nhánh, cũng là người ký trình xin Agribank cấp bảo lãnh vượt quyền phán quyết, nhưng khi chưa có chấp nhận của Agirbank (Công văn của Agribank số 7229/NHNo-TDDN ngày 22/12/2010), thì ngày 20/12/2010, Agrbank chi nhánh HN đã cho phát hành bảo lãnh với Công ty Hồng Quang. Thứ ba, bà Phạm Thị Hằng đã giữ chức danh giám đốc 2 nhiệm kỳ, theo Quyết định số 668/QĐ-HĐTV–UBNS ngày 26/6/18, bà Hằng sinh tháng 4/1965 không được tái bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ Giám đốc. Tuy nhiên, được sự "ưu ái" của lãnh đạo Agribank bà Hằng tiếp tục được tái bổ nhiệm lần 3 cho đến khi nghỉ hưu 01/6/2020 (?).
Tiếp đến là ông Đặng Tiến Dũng, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội, người trực tiếp ký bảo lãnh thanh toán sai trái gây nên thiệt hại cho Agribank ngay sau khi xảy ra vụ việc, tranh chấp sau đó VNPT khởi kiện, ông Dũng đã bị kiểm điểm bằng cách "thăng" chức giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội vào tháng 9/2012, rồi sau đó tiếp tục bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ 2 chức vụ Giám đốc chi nhánh Nam Hà Nội vào tháng 9/2017, sau khi Tòa án phúc thẩm đã tuyên án, Agribank mất hơn 62 tỷ đồng.
Vậy điều gì khiến cho các cá nhân này thoát được trách nhiệm dù đã gây ra thiệt hại hơn 62 tỷ đồng tiền vốn Nhà nước của Agribank? Thế lực nào đã dùng tay che cả bầu trời sai phạm cho họ?
Theo luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội): Trong vụ việc này, dấu hiệu cố ý làm trái, buông lỏng quản lý của một số cá nhân tại Agribank chi nhánh Hà Nội cũng như bộ phận giám sát, phê duyệt, ký đồng ý chủ trương cho bảo lãnh của Agribank là rất rõ. Theo tôi, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần vào cuộc để điều tra, thanh tra các sai phạm mà Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã nêu. Nếu có đủ căn cứ cần phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đưa ra xét xử nghiêm minh nhằm sớm thu hồi lại được tiền cho ngân sách Nhà nước.