Hải Dương: Xuất khẩu cà rốt đang có tín hiệu tích cực
Hiện nay, tỉnh Hải Dương có khoảng 1.300ha chuyên canh cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng quy trình tiên tiến trong bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với sản lượng trung bình 80.000 tấn.
Phần lớn lượng cà rốt này được thu mua và sơ chế tại huyện Cẩm Giàng để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông, EU…
Thương lái thu mua cà rốt ngay trên cánh đồng. |
Tại huyện Cẩm Giàng, tập trung nhiều nhất tại xã Đức Chính với 6 cơ sở thu mua, sơ chế và xuất khẩu cà rốt với chất lượng đã được khẳng định trên thị trường.
Chị Trần Thị Huyên (HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính) cho biết, hiện mỗi ngày cơ sở có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi.
“Hiện tại ngày nào HTX cũng sản xuất và xuất khẩu được 1 container đi nước ngoài và 2 container phục vụ thị trường trong nước. Thời điểm này sản phẩm đã thâm nhập được một số thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào”, chị Huyên cho biết.
Cà rốt Đức Chính |
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) tỉnh Hải Dương, sản lượng cà rốt năm nay tăng so với vụ trước.
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, toàn tỉnh đang bước vào chính vụ thu hoạch cà rốt.
"Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác cấp mã số vùng trồng, kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phòng chống các loại côn trùng gây hại; yêu cầu các doanh nghiệp khi thu mua, phân loại, đóng gói phải đảm bảo chất lượng thương hiệu cà rốt Hải Dương, nhất là đối với các lô hàng xuất khẩu”, bà Kiểm cho hay.
Cuối năm 2022, Hàn Quốc đưa ra cảnh báo về tuyến trùng gây hại trên các loại cây trồng có củ nhập khẩu vào nước này.
Sở NN&PTNT Hải Dương đã kiểm tra, đánh giá và khẳng định, cà rốt trồng tại Hải Dương không nhiễm sâu bệnh, báo cáo Bộ NN&PTNT để có những đàm phán với phía Hàn Quốc và có các biện pháp giữ ổn định lượng hàng, cam kết nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước này.