Hải Dương: Nhức nhối tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Ba Hàng
Tỉnh Hải Dương thống nhất khai giảng vào 5/9 Hải Dương duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu đô thị hơn 500 ha Công an Hải Dương triển khai phần mềm quản lý di biến động |
Ngày 16/8, UBND TP Hải Dương đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh ô nhiễm môi trường nước thải tại CCN Ba Hàng (phường Nam Đồng, TP Hải Dương).
Theo đó, ngày 18/5, UBND TP Hải Dương đã tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Ba Hàng là Công ty thương mại và vận tải Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) và các đơn vị có liên quan.
UBND TP Hải Dương yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Ba Hàng tuân thủ đúng theo Giấy chứng nhận đầu tư được UBND tỉnh cấp và thông báo số 184/TB-UBND ngày 7/10/2019 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN Ba Hàng. Trong đó, UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh tiến độ xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng đồng bộ trước ngày 31/3/2019.
Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Ba Hàng vẫn chưa được hoàn thành, trong đó có hạng mục trạm xử lý nước thải (theo quy hoạch tại khu vực phía Tây Bắc dự án) vẫn chưa được GPMB.
Theo Công ty Thành Đạt, việc dự án chưa được đầu tư xây dựng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật do một số nguyên nhân như chưa GPMB phần diện tích còn lại, nút giao lập thể và tuyến đường TL390 đi qua CCN đã phá vỡ quy hoạch của CCN. Nhân dân khu dân cư Đồng Ngọ không đồng tình với vị trí quy hoạch Trạm xử lý nước thải theo quy hoạch vì gần với khu dân cư...
UBND TP Hải Dương cho biết, ngày 10/3 đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 9 cơ sở sản xuất nằm trong CCN Ba Hàng có đường thoát nước thải ra đường thoát nước chảy ra khu vực cánh đồng thôn Đồng Ngọ và Vũ La.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp (Chi nhánh Công ty Cổ phần dược phẩm Synntech - Nhà máy Hải Dương; Công ty TNHH gỗ Richland; Công ty cổ phần Q&T; Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Phương Đông; Công ty Cổ phần xây lắp Toàn Cầu) với tổng số tiền xử phạt 200 triệu đồng.
Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt và khắc phục các lỗi hành vi vi phạm nên tình trạng ô nhiễm môi trường đã cơ bản được cải thiện.
Đối với Công ty cổ phần xây lắp Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) đã đầu tư xây dựng Hệ thống xử lý nước thải công suất xử lý 300m3/ngày đêm, nước thải được xử lý tuần hoàn tái sử dụng để sản xuất (theo Báo cáo ĐTM được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2755/QĐ-BTNMT ngày 7/12/2020).
Tại thời điểm làm việc với Đoàn kiểm tra ngày 22/3, công ty có báo cáo trong thời gian từ 3/3 - 10/3, công ty để xảy ra sự cố làm chết vi sinh của bể xử lý nước thải đã phải bơm nước thải từ hệ thống xuống hồ sự cố để chứa có thể bị ngấm ra ngoài môi trường (do hồ sự cố xây dựng tạm chưa được kiên cố bê tông hóa, bờ đất cát). Đây là là một trong các nguyên nhân làm nước thải chảy ra từ CCN Ba Hàng có màu đen theo như người dân phản ánh. Đoàn kiểm tra đã xử phạt 70 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu Công ty Toàn Cầu tạm dừng hoạt động sản xuất để xử lý sự cố.
Theo báo cáo của Công ty Toàn Cầu hiện nay công ty đã đầu tư đầy đủ các công trình biện pháp bảo vệ môi trường và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác nhận tại Công văn số 544 ngày 02/4/2021 Công ty Toàn Cầu đủ điều kiện vận hành thử nghiệm từ ngày 12/4/2021 đến ngày 12/8/2021.
Người dân nhiều lần phản ánh
UBND TP Hải Dương cho biết, thời gian qua, nhiều ý kiến của nhân dân, dư luận xã hội và một số cơ quan báo, đài phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Ba Hàng. UBND TP đã cử Đoàn kiểm tra phối hợp với UBND phường Nam Đồng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của Công ty Toàn Cầu.
Qua kiểm tra cho thấy, trước cổng Công ty Toàn Cầu có lượng lớn nước thải màu đen, trong không khí có mùi rất khó chịu. Phía trong công ty, có điểm tập kết nguyên liệu, chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải chưa có mái che, nên khi gặp trời mưa chất thải sẽ bị nước mưa cuốn theo đưa xuống hệ thống thoát nước mặt, vào hệ thống thoát nước chung của CCN Ba Hàng (nước có màu đen).
Nước thải từ CCN Ba Hàng tràn vào với màu nước đen xì, đóng váng. |
Việc sản xuất giấy của Công ty Toàn Cầu từ nguyên liệu là giấy phế liệu có nhiều công đoạn làm phát sinh chất thải (nước thải màu đen, khí thải…) gây mùi rất khó chịu.
Trong quá trình giám sát, phát hiện Công ty Toàn Cầu vi phạm hành lang đê, đào mái đê sông Thái Bình để sử dụng đường ống khai thác nước mặt để sản xuất. Ngày 8/8/2021, UBND thành phố đã giao Hạt Quản lý đê lập biên bản vi phạm hành chính, gửi Chi cục Thủy lợi xử phạt 4 triệu đồng.
Để giải quyết, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Ba Hàng, UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh, Tổ Công tác tỉnh giao Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh bằng nghiệp vụ, điều tra các hoạt động xả thải đối các doanh nghiệp nằm trong CCN Ba Hàng, đặc biệt đối với Công ty Toàn Cầu để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan: Thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, giám sát các hạng mục công trình xử lý môi trường và xem xét việc Công ty Toàn Cầu có đủ điều kiện (cấp Giấy xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành) để được đi vào vận hành chính thức; giao đơn vị chuyên môn lấy mẫu phân tích các nguồn chất thải phát sinh từ các công trình xử lý môi trường; trường hợp không đảm bảo tại báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh (đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho tạm dừng hoạt động.
Trước đó, từ cuối năm 2020 đến nay, xung quanh khu dân cư Vũ La và Đồng Ngọ ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương) nhiều lần xuất hiện tình trạng nước thải chảy ra các mương, rãnh thoát nước có màu đen kịt, nổi váng. Mùi khét, hôi từ trong CCN Ba Hàng bay ra ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân. Bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải của các doanh nghiệp trung CCN Ba Hàng, người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.