Hà Nội yêu cầu giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở
Hà Nội tạo “cú hích” phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Quốc hội giám sát thị trường bất động sản tại Hà Nội |
Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 561-TB/VPTU, truyền đạt kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, ngoài việc thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo của Ban Chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các đồng chí thành viên, tổ công tác giúp việc, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo chủ động tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục đôn đốc, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác và các vụ việc đột xuất, phát sinh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị 15-CT/TU, diễn ra ngày 12/7. |
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU tạo sự thống nhất về nhận thức của các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện nghị quyết và chỉ thị trên; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; các quận, huyện, thị ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, rà soát quy chế làm việc, duy trì chế độ họp định kỳ, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định; thực hiện đối thoại với công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh kéo dài vượt cấp.
Cùng đó, các cấp ủy Đảng chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể, các cơ quan nội chính trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cần thực hiện thận trọng, không chủ quan, nắm chắc diễn biến, tình hình của các đơn vị tránh việc tiềm ẩn mâu thuẫn giữa nội bộ các đơn vị sáp nhập, đặc biệt chuẩn bị đại hội Đảng các cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
Các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành (tập trung ở xã, phường, thị trấn), gắn với việc thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước về một số lĩnh vực thường phát sinh khiếu nại tố cáo như: Đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trật tự xây dựng...
Qua đó, giúp người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, của địa phương. Đồng thời, Các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng chỉ đạo xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ.
Các quận, huyện, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thực hiện nghiêm túc các kết luận sau thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền; chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với thành phố ban hành cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương gắn với tham mưu cụ thể hóa Luật Đất đai, Luật Thủ đô và các nghị định thi hành bảo đảm đồng bộ, phù hợp thực tiễn.
Đối với các địa phương đang thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần thận trọng, không chủ quan, tránh mâu thuẫn nội bộ, chuẩn bị trước một bước nhân sự tiến tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.