Hà Nội xử phạt gần 100 triệu đồng vi phạm an toàn thực phẩm trong 1 tháng kiểm tra

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã tiến hành công tác thanh kiểm tra.
Thu hồi 5 loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe giảm cân, tăng cường sinh lý không đảm bảo an toàn Ngày 20/5, cả nước ghi nhận 1.587 ca nhiễm mới COVID-19 Những loại rau tuyệt đối không được ăn sống

Tăng cường kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Cụ thể, trong 1 tháng ra quân, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra gần 40 cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở trồng rau, giết mổ.

ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố đã làm việc với UBND quận Ba Đình
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố đã làm việc với UBND quận Ba Đình

Qua đó, các đoàn kiểm tra của thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện tiếp tục làm việc và xử lý vi phạm hành chính đối với 14 cơ sở với số tiền phạt gần 100 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn; chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý; Nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (Kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định; Không bảo quản thực phẩm riêng biệt dẫn đến ô nhiễm chéo; khu vực bếp như: Trần nhà, nền…

Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, thực phẩm trong tình hình mới”, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay, đoàn kiểm tra liên ngành cũng tăng cường kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng nông sản, thực phẩm đưa vào chế biến tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống.

Cụ thể, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn huyện Sóc Sơn kiểm tra 323 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 281 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 87,5%); 42 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 14%) và 37 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 46 triệu đồng. Huyện cũng chú trọng kiểm tra phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó thu hồi và tiêu hủy nhiều loại bánh kẹo, bim bim không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Huyện Phú Xuyên với đặc thù có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua công tác kiểm tra, tuyên dương các cơ sở làm tốt, đến nay, toàn huyện có 11 cơ sở tham gia đăng ký sản phẩm trên hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội (hn.check.net.vn), 39 sản phẩm OCOP được thành phố công nhận.

Riêng với huyện Chương Mỹ - nơi có gần 1.200 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, 107 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 813 cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thủ công, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tiêu dùng hàng hóa có chất lượng cho người dân.

Nhiều quận cũng đã làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm như quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, quận Long Biên... cũng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tại các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Quận Ba Đình chỉ đạo thực hiện đảm bảo mỗi phường có ít nhất 1 cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch trên địa bàn.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, Chi cục sẽ xây dựng rà soát quy trình chuẩn từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Trong tháng cao điểm an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra của thành phố, quận, huyện, xã, phường đã đồng loạt ra quân kiểm tra, sau đó duy trì phối hợp liên ngành với ban lãnh đạo các trường kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể".

Qua kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu các cơ sở khẩn trương, nghiêm túc khắc phục ngay từ những tồn tại, lỗi sai sót nhỏ nhất. Sau thời gian khắc phục, Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành hậu kiểm, nếu các cơ sở không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những vi phạm đó.

Tiếp tục kiểm tra và giám sát việc khắc phục sai phạm các tháng khác trong năm

Đây cũng là tháng cao điểm ra quân thanh tra, kiểm tra, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

"Khác với những đợt kiểm tra khác trong năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm sẽ diễn ra đồng loạt với sự ra quân của các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Trong thời gian này, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến dịch vụ ăn uống, các nhà hàng, khách sạn, thức ăn đường phố… Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở dịch vụ ăn uống, đồng thời lấy một số mẫu xét nghiệm nhanh tại chỗ, như: Mẫu bát đĩa, dụng cụ bếp, thực phẩm, tương ớt, dầu ăn…", ông Đặng Thanh Phong cho biết.

Hà Nội xử phạt gần 100 triệu đồng vi phạm an toàn thực phẩm trong 1 tháng kiểm tra
Đoàn kiểm tra nhắc nhở chủ nhà hàng khắc phục các lỗi vi phạm

Kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục được các quận, huyện duy trì trực tiếp kiểm tra các tháng khác trong năm.

“Tháng hành động vì ATTP” năm nay cũng đã đặt mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; Tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Qua việc kiểm tra nhắc nhở các sai phạm, bản thân chủ các nhà hàng có sai phạm cũng có ý thức nâng cao hơn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khi phục vụ các thực khách.

Phiên bản di động