Hà Nội: Trẻ mắc tay chân miệng cao đột biến, bác sỹ khuyến cáo gì?
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng, biến chứng nguy hiểm Gia tăng số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội |
Theo các bác sĩ, thời tiết nồm ẩm, thay đổi thất thường làm tăng bệnh tay chân miệng. Bệnh do virus Ev71, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ ở trường mầm non, mẫu giáo rất dễ lây sang nhau. Trẻ mắc bệnh, biểu hiện đầu tiên là sốt, biếng ăn, nôn trớ, sau sốt xuất hiện các nốt bóng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân - nốt đặc thù của tay chân miệng.
Hiện tại, Hà Nội ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng xuất hiện trong tuần qua |
Hiện tại, Hà Nội ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng xuất hiện trong tuần qua, chủ yếu lây nhiễm ở trường mầm non, mẫu giáo. Trong đó, huyện Ba Vì có 3 ổ dịch, nhiều nhất thành phố, tiếp theo là Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội ghi nhận 378 ca tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 5 ca. Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, giải thích trẻ em sức đề kháng yếu, khả năng tự nhận thức bảo vệ bản thân chưa có nên dễ mắc bệnh tay chân miệng hơn người lớn.
Người nhà nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Trẻ bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế khám. Người nhà không nên tự điều trị cho trẻ theo kinh nghiệm dân gian, có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ.
Đa số trẻ bệnh tay chân miệng nổi bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Một số em gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn nhưng thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.
Bác sĩ Kim Anh khuyến người nhà đưa trẻ đến viện khám nếu sốt cao ngày thứ hai. Vào viện, bé có thể được test nhanh Covid, test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết, khám lâm sàng các nốt trên tay chân hay niêm mạc, để loại trừ trước khi chẩn đoán tay chân miệng.