Hà Nội: Quản lý thị trường "tuýt còi" loạt cơ sở kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu

Đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và thị xã Sơn Tây (Hà Nội), các tổ công tác của Phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã phát hiện và tạm giữ gần 3.500 sản phẩm là mỹ phẩm nhập lậu.
Bộ Y tế đề xuất quy định mới về quảng cáo mỹ phẩm Bắc Giang: Khởi tố chủ cơ sở sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả

Ngày 9/6, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an thành phố Hà Nội và một số Đội Quản lý thị trường, thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra tại nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố.

Các điểm kiểm tra tập trung tại các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và thị xã Sơn Tây, gồm: Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm số 5 (số 38 BT5, Khu đô thị sinh thái Xuân Phương, Nam Từ Liêm); Cơ sở mỹ phẩm - thực phẩm Linh Nấm (số 77 ngõ 59 Dương Khuê, Cầu Giấy); Cơ sở mỹ phẩm 9 (ngõ 58 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy); và một cơ sở khác của Linh Nấm tại số 67 Quang Trung, thị xã Sơn Tây.

Các điểm kinh doanh vẫn mở cửa đón khách như thường lệ trước khi Đoàn kiểm tra có mặt. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, phần lớn khách hàng tại các điểm kinh doanh là người dân sinh sống trong khu vực lân cận.

Tại thời điểm kiểm tra, các hộ kinh doanh xuất trình cho Đoàn kiểm tra Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh và một số hóa đơn chứng từ hợp lệ của sản phẩm kinh doanh tại cửa hàng. Tuy nhiên, Tổ công tác ghi nhận một lượng lớn sản phẩm trà trộn trong số hàng hóa hợp pháp.

Hà Nội: Quản lý thị trường
Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với công an kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, sau khi đối chiếu hóa đơn, loại trừ các sản phẩm hợp pháp, Tổ công tác đã tạm giữ gần 3.500 sản phẩm mỹ phẩm là dầu gội, kem chống nắng, kem dưỡng da, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 187 triệu đồng.

Với hành vi vi phạm như trên, dự kiến số tiền phạt vi phạm hành chính tại các điểm kinh doanh phải nộp tổng cộng trên 300 triệu đồng.

Tại Công ty TNHH Mera Mall ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Tổng trị giá số hàng hóa vi phạm khoảng 100 triệu đồng.

Theo ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, đây là hoạt động nằm trong chuỗi biện pháp tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của lực lượng Quản lý thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng - nhóm sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nếu không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng kinh doanh thuộc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư TINA LÊ Make up, có địa chỉ kinh doanh tại phố Hàng Cá, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hà Nội: Quản lý thị trường
Lực lượng chức năng kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thuộc Hàng Cá, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện 383 sản phẩm mỹ phẩm như: phấn mắt, son môi, kem nền, phấn má, kem lót trang điểm, kem nền.. các loại do nước ngoài sản xuất đang được trưng bày và bày bán tại cửa hàng. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng hóa trên đều có dấu hiệu vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Cụ thể, các sản phẩm không thể hiện tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/4/2017 Nghị định về nhãn hàng hóa. Ngoài ra, người đại diện cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa này. Trị giá toàn bộ số hàng vi phạm được xác định theo giá niêm yết là 99.060.000 đồng.

Trên cơ sở các dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số mỹ phẩm vi phạm để tiếp tục xác minh làm rõ, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thể hiện quyết tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, nơi người tiêu dùng rất dễ bị ảnh hưởng nếu sử dụng phải sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn mỹ phẩm, ưu tiên mua tại các cơ sở kinh doanh uy tín, nơi có sản phẩm được dán nhãn đầy đủ thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm, thành phần, hướng dẫn sử dụng và có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm cần nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, tránh để xảy ra vi phạm có thể dẫn đến các hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nghiêm trọng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động