Hà Nội phải phát huy vai trò "nhạc trưởng" dẫn dắt Vùng Thủ đô
Luật Thủ đô (sửa đổi): Không chỉ làm cho một thành phố mà cho cả đất nước |
Hà Nội có vai trò dẫn dắt và kết nối Vùng Thủ đô
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, diễn ra vào cuối tháng 10 tới đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, với việc quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ không chỉ Thủ đô mà còn Vùng Thủ đô, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Trong đó, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Chính quyền địa phương trong vùng Thủ đô có trách nhiệm phối hợp, huy động nguồn lực để thực hiện liên kết vùng; Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong Vùng Thủ đô.
Dự thảo luật nêu rõ, lĩnh vực phối hợp của Vùng Thủ đô là tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm sau: Quy hoạch xây dựng; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch; Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ; Phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; Quản lý đất đai; Quản lý dân cư và phát triển, quản lý nhà ở; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải.
Cần có định hướng phát triển Hà Nội trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực tri thức, công nghệ cao, tài chính, du lịch, logistics... |
Các ý kiến của chuyên gia, để phát huy được sự liên kết của Vùng Thủ đô thì dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải gắn với quy hoạch cho cả vùng, trong đó Hà Nội phải đóng vai trò dẫn dắt và kết nối.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, vai trò dẫn dắt và kết nối của Hà Nội đối với Vùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã được chủ trương hóa trong nhiều văn kiện của Đảng và chính quyền các cấp.
Cụ thể, Luật Thủ đô 2012 khẳng định, Hà Nội là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia… trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Theo đó, Hà Nội có trách nhiệm phải địa phương đi đầu, là điển hình tiêu biểu, dẫn dắt các địa phương khác hướng tới phát triển văn minh, hiện đại, đồng thời cần trở thành một hạt nhân kết nối thông qua việc chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Như vậy, Hà Nội không chỉ có nhiệm vụ phát triển đơn lẻ, mà còn phải trở thành một hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt các địa phương khác trong Vùng Thủ đô cũng như cả nước, đồng thời cần phải trở thành một trung tâm kết nối và lan tỏa các thành tựu về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ tới các địa phương khác để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Sửa Luật Thủ đô phải gắn với quy hoạch Vùng Thủ đô
Theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hà Nội đã nỗ lực phát triển kinh tế, trở thành một trong hai đầu tàu phát triển của cả nước, chú trọng xây dựng liên kết để làm động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong Vùng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương. |
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa thực sự rõ nét và mang lại hiệu quả rõ rệt, Hà Nội chưa thật sự cho thấy vai trò nhạc trưởng dẫn dắt và lan tỏa tác động tích cực như được kỳ vọng.
Nhìn chung, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng vẫn mang tính tự phát và chưa cho thấy một tầm nhìn dài hạn, tận dụng được lợi thế cạnh tranh của vùng hoặc các địa phương trong vùng.
Do đó, theo PGS. TS Bùi Anh Tuấn, việc quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội trong vai trò dẫn dắt và kết nối các địa phương trong vùng cần đảm bảo cơ chế giúp kết nối chức năng của mỗi tỉnh, thành phố, có kế hoạch tổng thể trong việc phát triển hệ sinh thái các ngành nghề một cách thống nhất, cùng chia sẻ hệ thống hạ tầng như cảng biển, sân bay.
Đồng thời cần có sự thống nhất hòa quyện trong phương hướng phát triển kinh tế cũng sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển môi trường văn hóa hài hòa, giảm sự xung đột trong xã hội.
Bên cạnh việc đẩy mạnh kết nối giữa TP Hà Nội và các địa phương trong Vùng Thủ đô cần có cơ chế để thúc đẩy kết nối giữa thành phố Hà Nội, giữa Vùng Thủ đô với các cực phát triển kinh tế khác trên cả nước, tạo thành một mạng lưới để kết nối các cực phát triển kinh tế với nhau.
Ngoài ra cũng cần có định hướng phát triển Hà Nội trở thành trung tâm phát triển các lĩnh vực tri thức, công nghệ cao, tài chính, du lịch, logistics, từ đó có vai trò tích cực trong việc liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô.
Trong đó, phía Tây của Hà Nội với hạt nhân là khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia có thể phát triển thành trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo của Hà Nội, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tri thức cho các địa phương khác trong Vùng Thủ đô.
Phía Bắc của Hà Nội tập trung phát triển dịch vụ logistics, khai thác lợi thế của Sân bay Nội Bài và các đường cao tốc, kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế.
Khu trung tâm của thành phố Hà Nội không chỉ tập trung các cơ quan hành chính đầu não của cả nước mà còn có thể là nơi đặt trụ sở chính của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập trung phát triển du lịch, tổ chức sự kiện, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa phát huy vai trò kết nối của Thủ đô trong nước và trên toàn cầu.