Hà Nội nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa thành kinh tế mũi nhọn

Với sự vào cuộc của các sở ban ngành và quận, huyện, thị xã; Hà Nội đang nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế cho thấy, trong năm 2023, văn hoá Thủ đô đã để lại dấu ấn sâu sắc, đậm nét. Trong đó, đáng chú ý là các không gian văn hoá sáng tạo đã thu hút sự quan tâm của du khách và Nhân dân.
Kỳ vọng từ “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển công nghiệp văn hóa

Đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 22/12, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã có tham luận với chủ đề “Hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 22/2/2022 - Thiết kế không gian trải nghiệm từ những di sản văn hóa, kiến trúc, công nghiệp” từ thực tiễn của Hà Nội.

Theo đồng chí Vũ Thu Hà, Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách nhằm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Chương trình “Linh thiêng Đình Chèm – dòng chảy tinh hoa” hưởng ứng “Lễ hội Thiết kế sáng tạo TP. Hà Nội” diễn ra ngày 18/11/2023

Cụ thể, năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045” với các mục tiêu được xác định cụ thể cho từng giai đoạn và xác định các lĩnh vực có lợi thế của Thủ đô để tập trung triển khai; trước mắt tập trung một số ngành: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí.

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Du khách khám phá văn hóa và lịch sử tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Bên cạnh việc xác định các mục tiêu của từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể để phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm.

Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thí điểm triển khai một số sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách và nhân dân. Điển hình như chương trình tham quan, trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò với chủ đề “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - sống như những đóa hoa”; Tour du lịch “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

"Nhiều triển lãm, trưng bày quy mô, chất lượng thu hút lượng lớn khách tham quan, thụ hưởng. Số lượng khách từ khi triển khai thí điểm các sản phẩm văn hóa tăng 200% so với trước đó", đồng chí Vũ Thu Hà nêu.

Huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hoá

Thực tế vài năm trở lại đây, công nghiệp văn hoá đang được thành phố, cùng với các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm. Thậm chí, không ít địa phương đã chuyển biến trong định hướng phát triển kinh tế, coi văn hoá là động lực phát triển.

Một ví dụ rất đáng nhắc tới là Thị xã Sơn Tây, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, những năm qua, thị xã đã đẩy mạnh phát triển du lịch văn hoá, trải nghiệm, sáng tạo với nhiều mô hình, điểm đến mới như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort… Nhờ đó, càng ngày càng đông đảo du khách chọn Sơn Tây như một địa chỉ hứa hẹn cho các cuộc tham qua, du lịch, nghỉ dưỡng.

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Các hoạt động văn hóa tại phố đi bộ xung quanh thành cổ Sơn Tây tạo sức hút lớn với du khách

Tại huyện Mê Linh, những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của thành phố, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Một nội dung quan trọng là triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Kết quả, những năm gần đây, bộ mặt của đất và người Mê Linh đã có những sự đổi thay, cách tân đáng ghi nhận.

Những người nông dân của huyện Mê Linh hiện nay không chỉ làm công việc nông nghiệp một cách đơn thuần, thay vào đó, họ đang đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, gắn với du lịch trải nghiệm.

Đáng chú ý, sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, hiện nay, Hà Nội ngày càng có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà phấn khởi cho biết: “Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chỉ hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức”

Một trong những điểm nhấn quan trọng khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UN Habitat tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên, trong đó mỗi năm chọn một chủ đề khác nhau.

Năm 2021 chọn chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo”, năm 2022 chủ đề “Sáng tạo và công nghệ”; năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” và được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với nhiều hoạt động, hội thảo, triển lãm trưng bày, thu hút hơn 200.000 khách tham quan.

Nỗ lực đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô
Các hoạt động văn hoá, du lịch đã và đang trở thành điểm nhấn của Thủ đô

Trong nỗ lực đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một vấn đề rất được quan tâm là nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng.

Theo đồng chí Vũ Thu Hà, mới đây, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, để phát triển công nghiệp văn hoá, Hà Nội còn nhiều Nghị quyết chuyên đề khác, như: Quy định về đãi ngộ, hỗ trợ với nghệ sĩ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT ở các lĩnh vực, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố hà Nội.

"Đến nay, thành phố đang nỗ lực hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô sửa đổi… hướng đến đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô một cách bền vững", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin.

Nhằm đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đề xuất nghiên cứu, xây dựng và có cơ chế thực thi hiệu quả Quy hoạch cấp quốc gia cho chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện “Khung tiêu chí, chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa” tới các ngành, địa phương.

Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung những chính sách còn chênh với thực tiễn, là “rào cản” trong phát triển, bao gồm vấn đề hợp tác công - tư trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản...

Vũ Cường
Phiên bản di động