Hà Nội những ngày đầu giải phóng trong kí ức các nhà văn
Sinh hoạt chuyên đề về giáo dục truyền thống cách mạng nhân kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô Chuẩn bị diễn ra chương trình "Ký ức Hà Nội 65 năm" kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô |
Cách đây 65 năm, các phương tiện máy ảnh, máy quay phim còn quá hiếm hoi, đông đảo người dân được sống trong thời khắc tưng bừng Giải phóng Thủ đô chỉ có thể lưu lại dấu ấn sự kiện trọng đại ấy bằng kí ức. Ngoài những bức ảnh, thước phim đã trở thành vô giá thì may mắn sao, các nhà văn không chỉ luôn nhớ mà còn ghi và kể lại về Hà Nội những ngày đầu giải phóng.
Bằng công việc đó, họ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến sĩ, công dân, văn nghệ sĩ mà còn góp phần giúp hậu thế có thêm những tư liệu quý báu. Để mãi sau này, khi thời gian trôi qua, dù họ có trở thành người thiên cổ thì những trang viết ấy sẽ cùng tên tuổi của họ sống mãi với sự kiện này.
Nhà thơ Hoàng Cầm: Cùng Đoàn Văn công Quân đội tiến về Thủ đô
Ngay sau khi nhận lệnh của Tổng cục Chính trị: “Đoàn Văn công Quân đội là một binh chủng đặc biệt đã chiến thắng, sẽ phải có mặt trong lễ diễu hành vào giải phóng thủ đô… Việt Bắc ngày 31/8/1954, Nguyễn Chí Thanh đã kí”, nhà thơ Hoàng Cầm đã cùng các đồng chí ở Cục Tuyên huấn và các nghệ sĩ có tên tuổi trong đoàn Văn công Tổng cục Chính trị họp, bàn về công tác tiếp quản miền Bắc, chia đoàn Văn công gồm hơn 200 cán bộ, diễn viên và nhân viên kĩ thuật ra làm ba phân đoàn.
Đoàn một do chính ông làm đoàn trưởng sẽ về tiếp quản Hà Nội, với hai đoàn phó Đỗ Nhuận và Văn Chung. Đoàn hai do nhạc sĩ Lương Ngọc Trác với Trọng Loan sẽ về khu Ba. Đoàn ba do nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Vũ Trọng Hối về Khu Bốn. Đoàn một của ông được ưu tiên chọn những diễn viên ưu tú nhất như Thùy Chi, Kim Ngọc, Mạnh Thắng…
Ngày 6/9, đoàn một của ông đã đóng quân ở thôn Sấu Giá, cách Hà Nội 18 cây số. Đêm Hoàng Cầm đứng trên một cái gò cao, nhìn về phía Hà Nội đã thấy bừng lên cái mầu sáng xanh leo lét nhưng đầy hứa hẹn của những ngày xây dựng hòa bình.
Đêm 8/10, đoàn hành quân “bí mật” vào Hà Nội từ lúc xẩm tối, đi bộ chừng ba cây số rồi ra đường Sơn Tây- Hà Nội thì có xe tải và xe commăngca đón. Chưa phải lúc trống dong cờ mở, đoàn vào đến phố Lý Nam Đế lúc 9 giờ đêm. Đúng 3 giờ sáng này 10/10, nhà thơ Hoàng Cầm chỉ định hai xe có tất cả 54 diễn viên (ý muốn nhớ mãi năm thứ 54 của thế kỉ bão táp này) nửa trai nửa gái, gồm cả đoàn trưởng, chính trị viên và hai đoàn phó.
Nhà thơ Hoàng Cầm nhớ chi tiết rằng khi đến chợ Mơ mới có 4h20 phút, vậy mà các đơn vị, các binh chủng hầu hết đã có mặt. Một không khí nhộp nhịp, tưng bừng chưa từng thấy. Ngoài các đơn vị bộ đội còn có rất nhiều người ở khu chợ Mơ, Tương Mai, Vạn Thái cũng dậy sớm ra hiên nhà trông ngắm bộ đội không chán mắt.
Nhà thơ Hoàng Cầm từng kể lại: “Tôi đang phải giải quyết một số việc tình nghĩa giữa quân dân thì có người vỗ vai tôi rất mạnh. Tôi hơi giật mình quay lại.
A, thì ra đồng chí Cácmen, nhà đạo diễn điện ảnh Liên Xô nổi tiếng, người từng làm phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” (sau thành phim “Việt Nam thắng lợi”), người đã từng sống những ngày rất đằm thắm, vui nhộn với đoàn văn công và quay hàng ngàn thước phim về các tiết mục ca, múa của đoàn.
Đồng chí Cácmen bắt chặt tay tôi, ôm vai mấy cô diễn viên nữ và nói rất to: “Tuyệt đẹp! Thật xứng đáng với cái đẹp của chiến thắng”…
Bầu không khí bình minh của giải phóng dân tộc lúc ấy thật là một bầu trời phơi phới hoa nở, chim hót, toàn đô thành và cả nước âu ca rộn ràng. Ở nửa đầu thế kỉ XV, khi Lê Lợi, Nguyễn Trãi kéo quân chiến thắng trở về chiếm lại Đông Quan thì sắc mây, hương gió chắc chắn cũng y hệt hôm nay”…
Rõ ràng, trong từng câu chữ, niềm tự hào, yêu mến khiến thi sĩ của "Bên kia sông Đuống" cho thấy sự xúc động, nghẹn ngào và thăng hoa với cảm xúc như bay lên cùng niềm vui chiến thắng.
Nhà văn Vũ Tú Nam: Cuộc hội ngộ của các văn nghệ sĩ
Trong nhật kí của nhà văn Vũ Tú Nam ghi chép rất trang trọng, rõ ràng và cẩn thận về những ngày ông về với Thủ đô những ngày đầu mới giải phóng.
Ngày 17/10, ông từ nơi tập kết của cơ quan Cục Tuyên huấn Quân đội thuộc Sơn Tây về với Hà Nội. Trong kí ức của nhà văn "Quê hương" nhiều năm sau vẫn rành rành câu chuyện để kể lại cho hậu thế rằng ông được đi bằng xe Môlôtôva chỉ mất có một tiếng đồng hồ. Với những văn nghệ sĩ tâm hồn nhạy cảm thì "Khí thu se lạnh, trong lành, mưa lất phất, đường nhựa êm và lúa phơi màu rất đẹp".
Nhà văn Vũ Tú Nam tạm thời đóng quân ở “trại lính Cửa Đông”, trên gác hai, dải bạt ra ngủ. Từ khắp các nẻo đường, văn nghệ sĩ cũng đã về tụ hội ở đây, tay bắt mặt mừng. Vũ Tú Nam viết: “Tô Hoài mặc vet-tông kaki mới, rất nho nhã. Thi (Nguyễn Đình Thi) hăng và khỏe.
Thanh Châu và Quang Dũng cũng muốn xin vào bộ đội. Gặp cả Hữu Loan, anh Huy Phương… Mấy bà mấy cô quây quanh chị Anh Thơ. Đông đủ các anh Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân. Anh Nguyễn Tuân tiếp khách rất lịch sự.
Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu tíu tít chuyện trò… Hoàng Công Khanh có nhiều băn khoăn: “Đối tượng viết là người thành phố nói chung hay là công nông binh- Văn nghệ khô và ướt- Căm thù chế độ cũ và căm thù cá nhân- Phục vụ hòa bình. Ý kiến của anh thành thực và cụ thể, đáng quan tâm. Anh Hồ Dzếnh nói rất thấm thía. Hoàng Tích Linh ốm vẫn đến họp. Từ Bích Hoàng (vào Hà Nội cùng bộ đội đúng ngày 10/10) trốn ở đâu đó để viết”…
Những kí ức đó cho thấy ngay lập tức các văn nghệ sĩ dù vui mừng phấn khởi nhưng ai nấy đều ý thức trách nhiệm chiến sĩ, văn nghệ sĩ của mình. Họ rút ruột gan để ghi lại cảm xúc, sáng tác nên những tác phẩm đi cùng thời đại và để lại cho hậu thế.
Nhà văn Băng Sơn: Hà Nội như bừng tỉnh sau nhiều năm bị chiếm đóng
Nhà văn Băng Sơn vẫn nhớ như in cái ngày trọng đại ấy, khi cả Hà Nội như bừng tỉnh sau nhiều năm bị chiếm đóng. Ngay từ sáng, người dân Thủ đô diện những bộ quần áo đẹp nhất đứng dọc hai bên đường. Các chị, các bà mặc áo dài đủ màu, học sinh, sinh viên mặc quần áo trắng, công nhân mặc quần áo xanh, ai cũng cầm một lá cờ hoặc hoa tươi, đứng chờ đoàn quân chiến thắng trở về.
Tiếng nhạc hùng tráng của bài ca "Tiến về Hà Nội" vang lên khi đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô tiến vào Hà Nội. Các anh đầu đội mũ có phủ lưới, xung quanh buộc vào đó những mảnh vải nhỏ màu xanh để ngụy trang, chân đi giày bata.
Thỉnh thoảng lại có một anh bộ đội khoác trên vai chiếc đàn guitar hay arcordeon. Có những bác cao tuổi ôm chầm lấy anh bộ đội mừng mừng, tủi tủi như gặp lại đứa con xa nhà lâu ngày. Nhiều người xúc động không cầm nổi nước mắt.
Lúc đó nhà văn Băng Sơn đứng trong rừng người nhìn bộ đội đi qua lòng dâng lên cảm xúc tự hào, hạnh phúc và niềm vui trào trong lồng ngực. Tiếng pháo nổ giòn xen lẫn những điệu nhạc của những bài ca cách mạng vang lên trên các đường phố.
Trưa hôm ấy, gia đình ông cũng như nhiều nhà khác làm một bữa cơm thịnh soạn với những chén rượu ăn mừng ngày giải phóng.