Hà Nội: Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đi vào nền nếp, bài bản
Chuyện về trưởng thôn 8x "chuyên gia hòa giải" ở Thường Tín Chuyên gia văn hóa giải mã quan niệm “Đói quanh năm, no ba ngày Tết” Tăng cường hoạt động hòa giải, đối thoại, xử lý án tồn đọng |
Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Cùng dự có Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” có 5 tiêu chí, trong đó, gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền, mục tiêu là phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên. |
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, một trong số đó là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” được triển khai từ năm 2003, sau đó, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” có 5 tiêu chí, trong đó, gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền, mục tiêu là phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên.
Năm 2019, thành phố đã có 2.447 “Tổ hòa giải 5 tốt” trên tổng số 5.429 tổ hòa giải ở cơ sở (đạt tỷ lệ 47,6%). Công tác hòa giải ở cơ sở thành phố cũng đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố trong năm 2018 đạt 86,3%; 2019 đạt 85,6%. Trong khi đó, số vụ việc phát sinh hàng năm giảm (năm 2019 phát sinh 5.063 vụ việc tiếp nhận hòa giải, giảm 1.579 vụ việc so với năm 2018); Đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn. Đến năm 2019, toàn thành phố có 34.390 hòa giải viên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản; Quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư; Cùng với đó, khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Trên cơ sở kết quả mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc và ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở; Có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến hết năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố, với hơn 600 nghìn hòa giải viên. Nhiều địa phương cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên; Quan tâm các điều kiện, huy động nguồn lực cho công tác hòa giải cơ sở.
Trong 6 năm qua, các tổ hòa giải trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ việc; Hòa giải thành 707.945 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,9%). Tính chung mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiến hành hòa giải trên 140 nghìn vụ việc, hòa giải thành trên 120 nghìn vụ việc. Những mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải chủ yếu thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai và mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
Thông qua công tác hòa giải, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động hòa giải cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân; Tăng cường tình làng, nghĩa xóm, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...