Hà Nội lên phương án đề phòng úng ngập mùa mưa bão

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong vài ngày tới, nhiều khu vực trên cả nước trong đó có Hà Nội sẽ tiếp tục có mưa rào và dông.
Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão Hà Nội chủ động các giải pháp chống úng ngập mùa mưa bão

Khắc phục tình trạng úng ngập tại các "điểm nóng"

Trong năm 2021, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 15 đợt mưa với tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 219,2 - 695mm. Ngoài ra, TP còn chịu tác động của 15 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng (trong đó có đợt nắng nóng gay gắt từ ngày 30/5 - 3/6/2021), gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Tình hình thiên tai năm 2022 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn… xảy ra, gây ngập úng cục bộ cho các khu vực đô thị, vùng trũng thấp.

8 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội cũng đã xảy ra nhiều trận mưa lớn trên diện rộng gây ra úng ngập khu vực dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp... ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Hà Nội lên phương án đề phòng úng ngập mùa mưa bão
Sau mỗi trận mưa lớn, Đại lộ Thăng Long lại rơi vào cảnh ngập lụt, giao thông tắc nghẽn

Nhiều "điểm nóng" thường xuyên bị ngập úng sâu như Đại lộ Thăng Long, phố Minh Khai, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, tuyến Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Hoa Bằng...

Mỗi khi xảy ra mưa lớn, đoạn đường trên đại lộ Thăng Long thường bị ngập sâu, nhiều phương tiện giao thông phải "quay xe" khi di chuyển vào trung tâm TP Hà Nội. Đây lại là tuyến giao thông "huyết mạch" của Thủ đô. Do đó tình trạng ngập úng gây khó khăn rất nhiều cho người dân khi tham gia giao thông di chuyển vào trung tâm.

Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, trọng điểm úng ngập còn tồn tại trên Đại lộ Thăng Long là điểm giao với đường Lê Trọng Tấn (lối vào Thiên Đường Bảo Sơn đi quận Hà Đông); các hầm chui dân sinh số 3, số 5, số 6...; đoạn đường ở Km9+656; nút giao An Khánh (huyện Hoài Đức).

Nguyên nhân do vị trí các hầm chui dân sinh kể trên có cốt mặt đường thấp hơn 25-30cm so với mặt đường hiện hữu, khi mưa lớn, mực nước sông Nhuệ dâng cao sẽ xảy ra úng ngập đường ở khu vực hầm chui. Bên cạnh đó, tình trạng phế thải đổ bừa bãi hai bên đường gom đã bịt kín đường thoát nước.

Để khắc phục tình trạng úng ngập trên Đại lộ Thăng Long, công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã duy trì lực lượng, phương tiện để duy tu, nạo vét thường xuyên các tuyến cống, tuyến mương Trung Thượng, Đồng Tép, kênh T242; bố trí hoành triệt và triển khai bơm di động tại các hầm chui dân sinh để giảm thiểu thời gian úng ngập.

Cùng với đó, đơn vị bố trí lực lượng ứng trực, có mặt kịp thời khi xảy ra úng ngập để khơi thông dòng chảy, hướng dẫn giao thông; phối hợp với Tập đoàn Geleximco trong việc vận hành Trạm bơm Geleximco và các cửa phai trên mương Trung Thượng, mương Đồng Tép.

Bảo đảm an toàn các tuyến đê

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp, chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Khắc phục hậu quả úng ngập, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã vận hành tối đa công suất các trạm bơm: Cầu Ngà 1, Cầu Ngà 3, Cầu Giát, Hòe Thị...

TP Hà Nội cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy; Tiếp tục củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống, sông Tích, Bùi, Mỹ Hà, giúp chống lũ ở mức cao hơn, đáp ứng nhu cầu giao thông phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội lên phương án đề phòng úng ngập mùa mưa bão
Khắc phục tình trạng ngập lụt tại các "điểm nóng"

Theo Chương trình 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, thành phố đã đặt mục tiêu: Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê tương ứng với mực nước lũ thiết kế trên các sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy... bảo đảm thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ dưới 100mm/2 giờ (đối với hệ thống cống) và dưới 310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống).

Trong năm 2020 - 2021, Hà Nội đã xoá được 5 điểm úng ngập và giảm mức độ ngập của 5 điểm khác. Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố triển khai cải tạo thoát nước, bể điều tiết ngầm tại các khu vực bất khả kháng, thoát nước đô thị tại những điểm trũng và hầm chui dân sinh.

Tính đến năm 2022, Hà Nội đã giải quyết 5/16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính, 11 điểm còn lại thành phố đã có giải pháp thực hiện dần theo các dự án đã và đang xin chủ trương triển khai thực hiện. Các điểm ngập nhỏ lẻ khác, thời gian rút nước nhanh cũng đã bố trí ứng trực, giảm thiểu thời gian và chiều sâu úng ngập.

Tuy nhiên, hệ thống thoát nước thành phố nhiều khu vực, nhất là tại các ngõ ngách địa bàn 12 quận nội thành hệ thống thoát nước đã đầu tư từ lâu đã xuống cấp; các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ nhiều khu vực đô thị hóa nhưng chưa có hệ thống thoát nước đô thị, cần lập danh mục đầu tư, nâng cấp, thiết kế bổ sung hệ thống thoát nước đô thị, điển hình như tuyến Đại lộ Thăng Long, tại các hầm chui dân sinh...

Ngoài việc nâng cao năng lực công trình phòng, chống thiên tai, trong thời gian qua, Hà Nội cũng tăng cường hợp tác chặt chẽ với cơ quan khí tượng thủy văn và cơ quan truyền thông để kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, truyền tải thông tin cảnh báo thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân; tiếp tục thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động