Hà Nội: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, không nhãn phụ tại nhiều cửa hàng, siêu thị
Mập mờ sản phẩm tại chuỗi cửa hàng Miniti 10K
Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về việc chuỗi cửa hàng Miniti 10k có nhiều cơ sở trên địa bàn Hà Nội đang kinh doanh hàng loạt sản phẩm nhưng không có dán nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo chị Thúy Hằng ở quận Hà Đông, Hà Nội: “Dịp cuối năm nên gia đình có nhu cầu mua sắm thêm ít đồ phục vụ công việc bếp núc. Hôm vừa rồi có ghé qua cửa hàng Miniti 10K ở gần chợ Hà Đông để mua ít bát đũa và đồ bếp nhưng thật sự không thể yên tâm. Nhiều hàng hóa ở đây không rõ ràng về nguồn gốc. Các sản phẩm có chữ Trung Quốc thì không có tem nhãn phụ gì cả, không biết sử dụng như thế nào”.
Tràn lan hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ tại các cửa hàng Miniti 10K |
Còn chị Huyền ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, tôi qua cửa hàng Miniti 10K ở 621 Vũ Tông Phan mua đồ cho các cháu thì thấy nhiều đồ dùng học tập, đồ chơi có vỏ bao bì, hộp ghi chữ Trung Quốc nhưng không có tem phụ và cảnh báo bằng tiếng Việt. Tôi thấy đây là những mặt hàng cho trẻ em sử dụng nếu không lựa chọn cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu. Vì thế nên tôi cũng không dám mua hàng tại đây.
Mục sở thị 2 cửa hàng Miniti 10K tại địa chỉ 22 Trần Hưng Đạo và 112 đường Bà Triệu (quận Hà Đông, Hà Nội), phóng viên nhận thấy hàng hóa tại đây đa dạng về chủng loại, từ các đồ gia dụng vừa tiền cho đến máy sấy tóc, nồi chiên, may xay sinh tố… Tuy nhiên, hầu hết trên vỏ bao bì các mặt hàng đều toàn chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều đồ gia dụng không hề có nhãn mác như bát, đũa, dao, thớt, gàu múc rượu… không hề có nhãn mác, xuất xứ. Các mặt hàng kể trên chủ yếu dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trong ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng?
Nhiều loại hàng hóa ở đây có dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu trốn thuế.
Theo tìm hiểu, chuỗi cửa hàng Miniti 10K có có hệ thống 6 cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội thuộc sự quản lý của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Miniti Việt Nam (đăng ký trụ sở tại số 250 Kim Ngưu, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Lan Chi Mart xuất hiện hàng không nhãn phụ, không rõ nguồn gốc
Không chỉ các chuỗi của hàng tiện lợi, ngay cả trong nhưng siêu thị lớn như Lan Chi Mart cũng xuất hiện nhiều hàng hóa mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Tại Lan Chi Mart Thường Tín và Phú Xuyên, phóng viên ghi nhận nhiều mặt hàng nhập khẩu không hề có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tại gian hàng thời trang trong siêu thị, nhiều mặt hàng quần áo, túi xách… trên mác chỉ có tiếng nước ngoài, không có thông tin về chất liệu, nguồn gốc của sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều đồ gia dụng như lồng bàn, móc treo, giàn phơi, bọc máy giặt… cũng chỉ ghi toàn tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng. Khi nhìn vào sản phẩm, chỉ có thể thấy rõ giá tiền.
Tương tự các hàng hoá thuộc gian hàng đồ chơi cũng chỉ toàn chữ và nhãn mác giống chữ Trung Quốc. Mặt hàng phấn rôm trẻ em nhiều chữ nước ngoài giống chữ Thái Lan không có thông tin về đơn vị nhập khẩu được bày bán công khai. Người tiêu dùng cũng không hề biết thành phần có trong chai gồm những gì.
Những mặt hàng dành cho trẻ em như bút màu, đồ chơi cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Điều này khiến các phụ huynh không khỏi hoang mang, lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu khi dùng những sản phẩm này.
Những ngày Tết Nguyên đán 2023 đã cận kề, các siêu thị đang bày bán rất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân. Thế nhưng, việc nhiều cửa hàng, siêu thị bày bán rất nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến cho người dân hoang mang lo lắng, thậm chí các mặt hàng về thực phẩm còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đề nghị lực lượng chức năng nhanh chóng kiểm tra, xử lý dứt điểm những tồn tại về hàng hoá vi phạm quy định tại các địa điểm này.
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh... |