Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế

Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.
Đảm bảo nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân Thủ đô Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh giá nước sạch: Việc làm cần thiết, phù hợp với thực tế Hà Nội điều chỉnh giá nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Các chi phí cấu thành giá nước sạch tăng

Nước sạch sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu quan trọng của nhân dân Thủ đô. Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Dân số tăng nhanh do sự gia tăng cơ học, đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn rất hạn chế.

UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm lĩnh vực này, với chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước. Hệ thống sản xuất và phân phối nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Việc này đã đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nước sạch, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của các năm trước. Nguồn nước sạch đang từng bước chuyển từ khai khác nguồn nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt đã từng bước đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng nước sạch.

Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế
Nhà máy nước sông Đà

Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc ban hành giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố và Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 về việc phê duyệt phương án giá tiêu thụ nước sạch không dùng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội đến nay đã thực hiện được 10 năm, tổng thể các chi phí cấu thành giá đều tăng.

Theo đó, các chi phí do Nhà nước quyết định như: Tiền lương tối thiểu vùng tăng, chi phí điện năng tăng (giá điện bình quân từ 1.437 lên 1.864 đồng/kwh).

Bên cạnh đó, các loại thuế, phí điều chỉnh tăng trong 10 năm qua như: Thuế tài nguyên (tăng từ 3% lên 5%). Ngoài ra, giá tính thuế tăng từ 6.000 lên 8.000 đồng/m3 đã làm chi phí thuế tài nguyên tăng 222,2% lần so với phương án được duyệt năm 2013. Chi phí dịch vụ môi trường rừng tăng từ 40 đồng/m3 nước thương phẩm lên 52 đồng/m3. Giá nước còn bổ sung thêm thuế khai thác tài nguyên nước theo quy định.

Nước ngầm không còn được khai thác “xả láng”

Trước năm 2016 tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của thành phố là khoảng 900.000 m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000m3/ngày đêm, nguồn nước mặt sông Đà khoảng 200.000m3/ngày đêm.

Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm; Ngoài ra bổ sung đơn vị cấp nguồn là dự án Nhà máy nước mặt sông Đà, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đã đầu tư cải tạo chuyển đổi Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì từ sản xuất nước ngầm sang lưu thông nước mặt.

Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế
Nguồn nước mặt sẽ dần thay thế các nguồn giếng ngầm (Ảnh nhà máy nước mặt sông Đuống)

Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong 4 dự án, dự án Nhà máy nước mặt sông Đà đã triển khai cấp nước từ năm 2009 để cấp nguồn nước cho khu vực phía Tây Hà Nội, đến nay dự án đã nâng công suất từ 220.000m3/ngày đêm lên 300.000m3/ngày đêm.

Dự án Nhà máy nước Bắc Thăng Long Vân Trì đã đi vào hoạt động với công suất đạt 150.000m3/ngày đêm. Còn dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng hiện trong giai đoạn triển khai dự án.

Từ tháng 1/2019, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đã đi vào hoạt động và bổ sung nguồn cấp cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, đến nay Dự án đã hoàn thành phân kỳ 2 giai đoạn 1 với công suất đạt 300.000m3/ngày đêm.

Như vậy, với 3 nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt thì công suất đến thời điểm năm 2022 đạt 750.000m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố. Việc bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà, sông Hồng vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho thành phố sẽ thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.

So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng.

Yêu cầu nâng cao chất lượng nước

Chất lượng nước tại các nhà máy sản xuất nước ngầm, nước mặt của Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Tuy nhiên theo Sở Tài chính Hà Nội, quá trình lưu thông được vận hành trên mạng lưới, đường ống, qua các bể chứa, trạm bơm đến các khu dân cư cũ như Thành Công (Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân)… có hệ thống đường ống cấp nước được lắp đặt từ vài chục năm trước đã hư hỏng, xuống cấp. Vì vậy, nguồn nước sạch cấp đến các khu vực này thường có tỷ lệ thất thoát và nguy cơ không đảm bảo chất lượng.

Tại nhiều khu đô thị, chung cư cao tầng, do mạng lưới nội bộ được các chủ đầu tư tự thi công, đơn vị cung cấp nước sạch chỉ có nhiệm vụ đấu nối đến hàng rào. Nhiều khu vực mạng nội bộ không được đầu tư đúng mức, không đủ công suất cấp đến toàn bộ dân cư, hoặc bể chứa, trạm bơm không được vận hành, duy tu, duy trì theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm nước sinh hoạt.

Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế
Cán bộ ngành cấp nước nước thực hiện đo nồng độ clo hiện trường

Với quy chuẩn mới (QCVN 01-1:2018/BYT), phạm vi kiểm soát không chỉ ở các đơn vị cấp nước mà còn ở cả khách hàng tiêu thụ nước là các cơ quan, đơn vị, khu chung cư, khu tập thể, bệnh viện, trường học, doanh nghiệp, khu vực có bể chứa nước tập trung với tần suất xét nghiệm quy định tối thiểu cao hơn gấp 3 lần so với quy định cũ nhằm mục đích tăng cường kiểm soát xét nghiệm chất lượng nước sạch để có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo việc cấp nước sạch đến từng người dân đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Căn cứ các quy định, Sở Tài chính Hà Nội đang chủ trì cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đảm bảo cung cầu nước sạch cho người dân; Hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và người dân; Khuyến khích người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả; Đảm bảo chính sách của Nhà nước về việc hạn chế việc khai thác nước ngầm và bổ sung nguồn nước mặt; Nâng cao chất lượng nước sạch và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Dự thảo phương án giá nước sạch đã đánh giá các tác động của việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng. Trong đó, việc điều chỉnh giá nước sạch xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Còn chần chừ, còn tác động tiêu cực

Như đã phân tích, sau 10 năm, giá cả các yếu tố đầu vào đã tăng lên và các cơ chế chính sách của Nhà nước cũng có nhiều thay đổi nên giá nước theo quy định đến thời điểm hiện nay đã cơ bản không đáp ứng được chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước.

Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế
Việc giá nước thấp ảnh hưởng đến đến tiến độ đầu tư các dự án cấp nước

Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới các tác động tiêu cực.

Theo đó, giá nước không điều chỉnh làm cho ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; Các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước.

Bên cạnh đó, việc giá nước thấp cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản vay của các nhà đầu tư, do đó ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án tuyến ống cấp nước theo quy hoạch. Điều này gây thiếu nước cục bộ ở một số khu vực, tại một số thời điểm.

Với giá nước chưa được điều chỉnh thì các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch theo QCVN01-1:2018/BYT

Sở Tài chính Hà Nội cũng đánh giá rằng, giá nước thấp là hạn chế đối với việc xã hội hóa thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cấp nước.

Nếu giá nước không điều chỉnh kịp thời thì các doanh nghiệp mới triển khai dự án trong giai đoạn này sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản, do không có khả năng trả lãi vay và nợ gốc với ngân hàng, dẫn đến không đảm bảo an ninh cấp nước cho thành phố.

Ngoài ra, việc tăng giá nước cũng sẽ khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm, giúp bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Do vậy, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, việc xây dựng phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tế, khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm và chủ trương của nhà nước trong việc quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh nước sạch.

Khánh Khoa
Phiên bản di động