Hà Nội: Các bệnh viện sẵn sàng phòng chống dịch nCoV
Chuẩn bị khu cách ly, sẵn sàng chống dịch
Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 5 bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân, gồm: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn đang xây dựng quy trình sàng lọc bệnh nhân. Trường hợp nào nghi ngờ bị viêm hô hấp cấp do virus Corona sẽ được phân luồng, đưa vào phòng cách ly. Khi chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng chống dịch nCoV |
Khi bệnh nhân đến thăm khám, có dấu hiệu ho, sốt sẽ được sàng lọc bằng việc hỏi có đi từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày hay không hoặc viêm đường hô hấp chưa rõ căn nguyên.
Hiện tại, Bệnh viện Thanh Nhàn chưa tiếp nhận trường hợp nào nghi nhiễm virus Corona. Khoa Nội tổng hợp đã chuẩn bị 5 giường cách ly và đang triển khai thêm giường cách ly hoàn toàn khỏi khu điều trị nội trú.
Ths. BS Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Ngoài việc bố trí riêng đơn nguyên T1 để khám, sàng lọc người bệnh có biểu hiện viêm đường hô hấp, bệnh viện cũng đã thành lập tổ cơ động, phân công 6 bác sĩ luân phiên ngồi tại khu vực khám cách ly để trực đón tiếp, sàng lọc bệnh nhân, sẵn sàng có mặt khi được huy động để xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra. Tổ cơ động của bệnh viện làm việc 24/24 giờ, kể cả thứ bảy, Chủ nhật”.
Để phòng lây nhiễm bệnh từ virus corona, Ths. BS Lại Thanh Hà khuyến cáo người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, không để tay chạm lên môi hoặc mắt, xúc miệng bằng dung dịch sát khuẩn.
Bên cạnh đó, bạn nên ăn thực phẩm chín, tránh tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc đang mang bệnh; đeo khẩu trang khi ở đông người hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tập luyện thể dục thể thao với chế độ phù hợp.
Đặc biệt, người dân nên học sử dụng khẩu trang đúng cách, chỉ dùng một lần; Cởi bỏ khẩu trang không được dùng tay chạm vào mặt ngoài, dùng tay tháo quai, sau đó bỏ luôn vào thùng rác.
Bác sĩ Hà cho hay gần đây mạng xã hội thường xuất hiện các thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh. Để bảo vệ bản thân và gia đình, người dân nên đọc những tin chính thống của Bộ Y tế. Khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở, người bệnh cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không tự chữa, đồng thời hạn chế đi lại, tiếp xúc với nhiều người.
Chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã xây dựng kế hoạch ứng phó với nCoV theo 3 tình huống, gồm: Chưa ghi nhận ca bệnh; bệnh viện bắt đầu tiếp nhận ca nhiễm nCoV và dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đối với mỗi tình huống, bệnh viện cũng đề ra các biện pháp triển khai cụ thể. Bệnh viện đã xây dựng quy trình tiếp nhận bệnh nhân cụ thể; tổ chức khu vực khám sàng lọc, khu vực cách ly, điều trị… với việc trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu, thuốc men, kiện toàn các tổ điều trị tại chỗ.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh, đồng thời thiết lập đội cơ động chống dịch.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết, hiện tại, bệnh viện đã sẵn sàng tổ chức tiếp nhận người bệnh nhiễm nCoV (nếu có) theo phân tuyến điều trị khi có chỉ đạo của cấp trên. Số lượng người bệnh điều trị tối đa trong một ngày là 55 người. Những trường hợp nặng vượt quá khả năng điều trị sẽ chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Căn cứ vào dự báo tình hình dịch bệnh, bệnh viện tiếp tục rà soát để kịp thời bổ sung thuốc, hoá chất, vật tư y tế, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, trang bị phòng hộ đề phòng dịch bùng phát”, ông Đào Thiện Tiến nói.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng đã chủ động lên phương án ứng phó với dịch bệnh nCoV từ rất sớm. Không chỉ tổ chức khu vực riêng khám phân loại, cách ly, bệnh viện còn tổ chức hướng dẫn nhân viên y tế về quy trình khám phân loại, cách ly và điều trị người bệnh, đặc biệt là tăng cường tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Bệnh viện cũng đã hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh và sử dụng trang bị phòng hộ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn khi đón tiếp, chỉ dẫn, thăm khám người bệnh theo đúng quy định…
Trực tiếp kiểm tra hai bệnh viện trong sáng 4/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh nCoV của các bệnh viện. Các bệnh viện đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồng thời bảo đảm đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người bệnh.
Đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cơ sở y tế, từ đó cách ly, khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu, lãnh đạo của hai bệnh viện nói trên phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, nhất là tình hình kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố để có những phương án đối phó kịp thời.
Mặt khác, các bệnh viện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong công tác lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, chẩn đoán ca bệnh nCoV.
Theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống nCoV tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Trước nguy cơ lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao các Sở, Ban, ngành chức năng tích cực phối hợp, chống dịch như chống giặc, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo phòng Quân y các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc và điều trị bệnh nhân; xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và bệnh viện dã chiến, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh bùng phát; sẵn sàng chi viện cho ngành Y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng.