Gian lận thương mại, buôn lậu ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp khi xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường...
"Nóng ruột" trước nạn buôn lậu vàng Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2024

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp khi xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường.

Cụ thể, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.

Tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Cùng với đó, các đối tượng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả…

Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.

Đối với pháo nổ, các đối tượng thay đổi quy luật hoạt động, lợi dụng đêm tối, địa hình biên giới tập kết số lượng lớn pháo nổ lên phương tiện ô tô, mô tô vận chuyển trái phép về địa bàn nội địa; sản xuất trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ giả nhãn hiệu nước ngoài và trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Gian lận thương mại, buôn lậu ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa.

Đối với xăng, dầu, các đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản.

Đối với khoáng sản, đối tượng lợi dụng nơi địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, khai thác trái phép cát, đá, sỏi, đất sét, quặng, đất hiếm…; hợp thức hồ sơ, làm thủ tục hải quan để buôn lậu đất hiếm được khai thác trái phép ra nước ngoài; mua thu gom số lượng lớn than, quặng, khoáng sản trôi nổi để hợp thức hồ sơ vận chuyển đi tiêu thụ; lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức khai thác cát, đá, sỏi, đất sét, đất hiếm... ngoài khai trường được phép.

Mặc dù vậy, năm 2023, với sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương, số lượng vụ việc bị phát hiện, bắt giữ, xử lý đã tăng 4,95% so với năm 2022.

Cụ thể, năm 2023, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm. Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 14.865,347 tỷ đồng; khởi tố hình sự 616 vụ, 724 đối tượng.

Mạnh tay với cán bộ bao che cho buôn lậu

Năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Gian lận thương mại, buôn lậu ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương các cấp nắm tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, hành vi, mặt hàng nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động; xây dựng chương trình, kế hoạch; tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo; phối hợp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, quản lý.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần rà soát khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đề nghị các đơn vị tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ theo dõi, tổng hợp, tham mưu chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng sẽ phối hợp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn lực lượng, đơn vị, địa phương thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động