Giảm tần suất hoạt động buýt kế cận nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh

Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội đã lên phương án điều chính giảm tần suất tuyến xe buýt kế cận đi các tỉnh. Việc làm này vừa bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh vừa duy trì dịch vụ vận tải phục vụ hành khách.
Nhiều tuyến xe buýt kế cận của Hà Nội tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19 Thủ đoạn trộm cắp của nhóm tội phạm chuyên nghiệp tại điểm chờ xe buýt Thanh Hóa: Tuyến buýt số 5 sẽ được kéo dài đến TP Sầm Sơn

Giảm hơn 50% tần suất tuyến xe buýt kế cận

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng hành khách di chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận sụt giảm, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội (đơn vị đang đảm nhận 5 tuyến xe buýt kế cận không trợ giá đi các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) vừa kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tạm thời điều chỉnh giảm hơn 50% tần suất tuyến xe buýt kế cận.

Cụ thể, với tuyến buýt số 205 Gia Lâm - Hưng Yên 40 lượt xe/ngày theo kế hoạch giảm còn 20 lượt xe/ngày; Tuyến buýt số 202 Hà Nội - Hải Dương từ 26 - 33 lượt xe/ ngày theo kế hoạch giảm còn 12 lượt xe/ngày; Tuyến buýt số 209 Giáp Bát - Hưng Yên 11 lượt xe/ngày theo kế hoạch giảm còn 4 lượt xe/ngày; Tuyến buýt số 212 Mỹ Đình - Quế Võ từ 40 lượt xe/ngày giảm xuống 20 lượt xe/ngày tính theo lượt xe của một đầu bến.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội Đỗ Văn Huy, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và ngày càng lan rộng khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn. Sản lượng hành khách từ đầu năm 2022 đến nay của các tuyến sụt giảm nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giảm tần suất hoạt động buýt kế cận nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh

Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội đã lên phương án điều chỉnh giảm tần suất tuyến xe buýt kế cận đi các tỉnh

Trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao, để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và duy trì dịch vụ vận tải phục vụ hành khách, công ty đã phải báo cáo thành phố cho phép tạm thời giảm tần suất hoạt động của các tuyến buýt kế cận trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Trước đề xuất nói trên, đại diện phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết sẽ chấp thuận giảm tần suất hoạt động theo đề xuất của Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội.

"Trong bối cảnh dịch COVID-19, các tuyến buýt không trợ giá sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh như tuyến cố định. Hiện tại, xe không có nhiều khách nên không thể bắt các doanh nghiệp chạy theo tần suất kế hoạch, nhất là trong bối cảnh khi xăng dầu lại liên tục tăng giá" đại diện phòng Quản lý Vận tải nhấn mạnh.

Sản lượng, doanh thu sụt giảm mạnh

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, cả sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2022 đều giảm mạnh. Cụ thể, lượng hành khách vận chuyển chỉ đạt 46,7 triệu lượt, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm 2021. Số hành khách luân chuyển đạt 1.143 triệu lượt, giảm 26,6%. Trong khi đó, doanh thu từ vận tải khách chỉ đạt 2.314 tỷ đồng, giảm hơn 29%.

Tuy nhiên, với vận tải hàng hóa, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 2/2022 đạt khoảng 93,3 triệu tấn, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt khoảng 9.541 triệu tấn, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Về doanh thu, ước tính vận tải hàng hóa đạt 5.420 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021.

Giảm tần suất hoạt động buýt kế cận nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đều cho biết, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân rất thấp.

“Hiện xăng dầu tăng cao, càng khiến lượng khách qua bến giảm hơn. Do vậy, nhiều nhà xe tiếp tục cắt giảm xe vào bến. Chúng tôi chỉ biết mong chờ dịch ổn định để hoạt động vận tải khách bình thường trở lại", đại diện bến xe Giáp Bát cho hay.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở; Có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý rà soát các chi phí cấu thành giá, việc điều chỉnh kê khai tăng giá phải phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải, phòng Kế hoạch Tài chính Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố.

TTTĐ
Phiên bản di động