Giá vải thiều có thể tăng gấp 3 lần

Giá vải thiều năm nay đang ở mức cao do nguồn cung sụt giảm, hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg).
Những giò hoa lan có giá vài chục triệu đồng

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.352 ha (trong đó: 6.000 ha vải chín sớm và 22.352 ha vải chính vụ). Ước năng suất đạt 150.000 tấn (trong đó: 40.000 tấn vải chín sớm và 110.000 tấn vải chính vụ). Vải thiều sớm dự kiến thu hoạch từ ngày 25/5, vải thiều chính vụ sẽ được thu hoạch từ ngày 5/6.

Đáng nói, theo cơ quan chuyên môn, năm nay vải sớm tỷ lệ ra hoa đạt 75 - 80%, tỷ lệ đậu quả đạt 70%. Vải chính vụ tỷ lệ ra hoa đạt 55 - 60%, ước tỷ lệ đậu quả 50%, nên sản lượng vải giảm mạnh so với năm 2018.

Trong đó, ở huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch dự kiến từ 20 - 30/7/2019. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn vải).

gia vai thieu co the tang gap 3 lan
Giá vải thiều dự báo tăng gấp 3 lần năm ngoái.

Theo tổng hợp của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại (Bộ Công Thương), do nguồn cung sụt giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao, hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg).

Việc Trung Quốc tăng cường thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và đề ra yêu cầu truy xuất nguồn gốc, cấp giấy phép nhập khẩu, cấp chứng thư xuất khẩu, kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu. Với những quy định này, đối với trái vải thiều không còn lo ngại nữa khi được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã có mã số vùng trồng.

Vải thiều được trồng nhiều ở Hải Dương, theo thống kê tỉnh Hải Dương còn 115 cơ sở đóng gói và 10 vùng trồng trái cây của tỉnh đang chờ cấp mã số và chờ Trung Quốc chấp nhận. Nếu các thủ tục hoàn tất, cơ hội xuất khẩu chính ngạch của các sản phẩm trái cây của Hải Dương sang Trung Quốc sẽ rộng mở hơn. Ước tính, vụ vải năm 2019, Hải Dương sẽ thu hoạch khoảng 35.000 - 40.000 tấn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến nay đã có 149 vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang, 19 vùng trồng vải thiều của Hải Dương và 2 vùng trồng vải thiều của tỉnh Hưng Yên được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Vải thiều tươi xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa chiếm tới 80%, còn lại 20% (tương đương 16.000 tấn) tổng sản lượng được xuất sang các nước khác. Việc thị trường Trung Quốc nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhập khẩu vải thiều thì đây là cơ hội để người dân thay đổi phần phương thức hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập và hướng tới các thị trường khó tính.

Trong tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiếp tục ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm cũng như cung cấp tư thuơng phục vụ cho các chợ đầu mối. Vải thiều ngoài thị trường truyền thống phía Bắc lượng tiêu thụ ở các thị trường phía Nam cũng tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Với vải thiều đẹp có thể sẽ được các thương nhân Trung Quốc tranh mua khi Trung Quốc cũng mất mùa vải.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây Mỹ và Australia cũng đã chấp nhận quả vải tươi của Việt Nam, song do những ràng buộc khắt khe về quy trình nhập khẩu nên xuất khẩu sang các thị trường này cũng hẹp dần. Mặc dù vậy, với nỗ lực đàm phán giữa các bên, năm nay Mỹ và Australia đã tạo thuận lợi hơn, giúp quả vải có thể dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng của các nước này.

Một tín hiệu vui khác là quả vải đã đạt được thỏa thuận để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản trong vụ tới đây. Đây chính là thời cơ để quả vải dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.

Trong niên vụ 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 92.000 tấn vải, gồm cả vải tươi và vải sấy khô, với trị giá đạt hơn 40,8 triệu USD. Trong đó, vải tươi đạt hơn 75.000 tấn, trị giá đạt 30,9 triệu USD; vải sấy khô đạt hơn 17.000 tấn, với trị giá hơn 9,9 triệu USD. Như vậy, lượng vải xuất khẩu trong năm 2018 tăng 172% về lượng và 126% về trị giá so với năm 2017.

Năm 2018, quả vải của Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều hơn so với năm ngoái (19 quốc gia, vùng lãnh thổ). Các thị trường xuất khẩu chính của quả vải là: Trung Quốc, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Australia, Canada, Lào, Anh, Bahrain, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Bỉ, Hoa Kỳ, Na Uy, Đức, Pháp, Nga… Trong đó, Trung Quốc chiếm thị phần áp đảo với hơn 83.500 tấn, trị giá hơn 33,9 triệu USD, tăng mạnh 151% về lượng và tăng 91% về trị giá so với năm trước.
Hậu Lộc
Phiên bản di động