Gia Lâm: Hiệu quả từ xã hội hóa tu bổ di tích Đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn
Quận Ba Đình: Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đền Núi Sưa Số hóa khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Nà Tu Quận Đống Đa gắn biển công trình tu bổ, tôn tạo đình - đền Hào Nam |
Quận Công Nguyễn Đình Huấn - Vị tướng văn võ song toàn thời Lê
Theo tài liệu lịch sử, Quận công Nguyễn Đình Huấn sinh giờ Dần ngày 12 tháng 8 năm Đinh Dậu 1717 tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, tổng Yên Thường, phủ Từ Sơn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là làng Yên Thường, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội). Ông là người có tài, có chí, văn võ song toàn, đức hạnh hơn người, từng phò vua hơn 40 năm và có nhiều công lao trị nước, an dân. Ông được nhà vua ban nhiều chức vị cao như Đại Tư mã, Đại tư đồ…
Sau khi mất, ông được phong tặng là “Đại tư đồ tứ thụy trung mẫn bao phong tiết khái hiến vọng tuệ trí mẫn đạt đại vương Nguyễn tướng công hiệu đoan chính phủ quân” được mở danh ở triều. Và 8 thôn xã tôn làm phúc thấn đó là Yên Thị, Yên Thường, Yên Khê, Xuân Dục, Đình Vĩ, Qui Mông thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, thừa tuyên Kinh Bắc và Tiên Hội (gồm Nội và Chung thôn) nay thuộc huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh (Hà Nội).
Mộ của Quận công Nguyễn Đình Huấn được chôn ở xứ Đống Vương, xã Cổ Loa và giao cho địa phương 50 mẫu ruộng để trông nom mộ cụ. Hàng năm, cứ vào ngày 10/3, dân Cổ Loa mang lễ vật thờ đến đền thờ Quận công tại Yên Thường.
Các bô lão phấn khởi trong buổi lễ công nhận hoàn thành việc tu bổ di tích |
Thành công từ công tác xã hội hóa di tích
Đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 18 (thời Lê), mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật. Về nghệ thuật, ngôi đền đạt trình độ cao mà các di tích cùng loại đương thời không sánh kịp. Nét nổi trội của đền là các đồ thờ bằng đá. Mở đầu là đôi chó đá khá lớn, trông đơn giản nhưng đầy tính dân gian. Qua Tam quan đến sân có bốn tượng võ. Trong đền thờ, ở gian ngoài có năm nhang án. Riêng nhang án đặt chính giữa, ở hai góc ngoài là đôi sư tử, phía trong là hai lọ hoa, giữa là bát hương. Tất cả tạo thành một khối đá với bốn mặt khắc chữ Hán niên đại Cảnh Hưng. Hai nhang án bên nhỏ hơn bày theo chiều dọc. Gian hậu cung có một khán đá và hai bài vị ở hai bên đặt trên một phiến đá lớn hình chữ nhật, chạm khắc theo hình kiểu long đỉnh, bốn góc mái khum có chỏm.
Đền còn lưu giữ quyển Tộc phả Nguyễn Đình ghi từ đời Quận công Nguyễn Đình Huấn, do cử nhân Ngô Đông sao chép năm 1940.
Với những giá trị về lịch sử - văn hoá, công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng, Đền thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận năm 1995 là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Người dân tham gia đóng góp tôn tạo di tích |
Ông Nguyễn Đình Dậu, Trưởng ban quản lý di tích Đền cho biết, trải qua hàng trăm năm tồn tại với nhiều biến cố của lịch sử, một số hạng mục của Đền bị xuống cấp. Ngày 30 tháng 9 năm 2019, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm có quyết định số 722 về việc phê duyệt bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích với tổng dự toán là 5.092.930.000 đồng, trong đó vốn ngân sách huyện là 4.092.818.000 đồng để xây dựng nhà khách, công trình phụ, hệ thống điện nước, ánh sáng và trồng cây xanh. Bên cạnh đó, Nhân dân trong khu vực và các vùng lân cận đã chung tay đóng góp, công đức số tiền và hiện vật trị giá gần 1 tỷ đồng.
Nhiều hiện vật trong Đền còn nguyên vẹn |
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Dậu cho hay, công trình đã được tu bổ hoàn thành và vẫn giữ được nguyên những hiện vật có giá trị lịch sử. Người dân trong vùng vui mừng, phấn khởi, hàng tuần, hay dịp lễ Tết thường đến đây thắp hương, tưởng nhớ công đức của Quận công. Có thể nói, ngoài việc giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân trong địa phương, đây cũng là công trình ghi dấu sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và Nhân dân trong việc xã hội hóa, tôn tạo các di tích lịch sử.