Gia đình trong suy nghĩ của thế hệ trẻ

Gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nhân cách, tri thức, mang lại tình yêu thương và là chỗ dựa vững chắc cho người trẻ.
Thông điệp nhân ngày Gia đình Việt Nam của Chủ tịch nước

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về gia đình và các mối quan hệ trong gia đình truyền thống đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Trong đó, điểm nổi bật là cách suy nghĩ cũng như ứng xử của những người trẻ tuổi.

Gia dđiìn
Gia đình là nền tảng và động lực để mỗi thành viên phát triển bản thân

Giống như chiếc thuyền căng buồm ra khơi, dù có đi xa đến đâu cũng có lúc trở về với nơi mà nó xuất phát, mỗi người trong chúng ta ai cũng có một nơi để trở về, đó là gia đình. Gia đình là nơi ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Gia đình cũng là nơi để ta được sống trong vòng tay yêu thương của người thân, cho ta những kiến thức, kinh nghiệm để vững tâm bước vào đời.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bạn Hoa Phương (23 tuổi, nhân viên tư vấn sức khỏe) được sinh sống và học tập gần với gia đình. Năm nào cũng vậy, Hoa Phương luôn giành thời gia bên cạnh gia đình mình vào những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đối với Phương, gia đình là cả một khoảng trời tuổi thơ, là nơi để hoài niệm và quan trọng nhất ở đây có những con người luôn đứng sau ủng hộ và chắp cánh để có thể tự tin và vững bước trên con đường của mình.

Gia đình trong suy nghĩ của thế hệ trẻ
Hoa Phương (thứ 2 từ trái sang) luôn dành tình yêu trọn vẹn cho gia đình của mình

Phương chia sẻ: “Ba mẹ là tấm gương để con cái noi theo. Con cái chính là niềm tự hào của cha mẹ. Tuy rằng mỗi người sẽ có những hoàn cảnh khác nhau nhưng tình cảm gia đình là điều thiêng liêng và tuyệt vời nhất mà không có gì có thể thay thế được. Mình tự hào khi được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của gia đình mình”.

Không thể phủ nhận, mối quan hệ gia đình hiện đại đã trở nên dân chủ hơn. Con cái có thể chủ động bày tỏ ý kiến của mình, tự lựa chọn nghề nghiệp, bạn đời, cởi mở hơn trong việc trao đổi suy nghĩ với cha mẹ. Ngược lại, do ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp dường như đang dần bị mai một. Chính cách sống này đã khiến không ít bạn trẻ trở nên cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Khoảng cách giữa con cái và cha mẹ ngày càng lớn hơn.

“Gia đình” trong suy nghĩ của thế hệ trẻ
Việt Hoàng quen với cuộc sống một mình khi mọi người trong gia đình quá bận bịu

Việt Hoàng, sinh viên năm thứ hai Đại học Công đoàn là một trong những trường hợp như vậy. Việt Hoàng chia sẻ, mọi sinh hoạt cá nhân của Hoàng đều diễn ra trong phòng riêng - thế giới riêng, nơi mà bố mẹ hầu như chẳng bao giờ đặt chân vào.

“Bố mẹ mình đi làm cả ngày, bận bịu về đến nhà cũng nghỉ luôn. Là con trai nên đi học về phần lớn thời gian tôi ở trong phòng, việc nhà cũng không phải động tay chân, vì có người giúp việc rồi. Thi thoảng, bố mẹ cũng có hỏi han về chuyện học hành. Nhiều người bảo như thế là buồn nhưng mình quen rồi nên chẳng có gì phàn nàn. Bây giờ, mình lại thấy như vậy là tự do, thoải mái”, Hoàng chia sẻ.

Mặc dù vậy, đối với đa số các bạn trẻ, gia đình vẫn là tổ ấm, là đôi cánh nâng đỡ để các bạn vươn lên và giúp các bạn vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Không may mắn như những gia đình khác, trên một chặng đường dài, bạn Lê Gia Hoàng Anh (23 tuổi, nhân viên ngân hàng) chỉ có mẹ và em gái ở bên cạnh. Là người đàn ông duy nhất trong nhà nên ngay từ khi còn nhỏ tuổi, Hoàng Anh đã phải lo lắng nhiều hơn cho cuộc sống của gia đình.

Gia đình trong suy nghĩ của thế hệ trẻ
Gia đình luôn là động lực để Hoàng Anh vững bước trên con đường của mình

Hoàng Anh xúc động: “Mình cảm thấy rất may mắn khi gia đình rất tôn trọng quyết định của mình. Tất nhiên là cũng có những lúc bất đồng quan điểm vì cha mẹ và con cái có khoảng cách thế hệ nhưng mình nghĩ bố mẹ luôn luôn là người mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Do đó, trước khi làm việc gì thì mình đều hỏi ý kiến của mẹ”.

Gia đình là thứ mà ta đã có trước cả khi lọt lòng, gần gũi và quen thuộc đến mức nhiều người dường như quên mất, nhãng đi, bỏ mặc để đi tìm kiếm hạnh phúc ở đâu đó xa xôi… Chỉ đến khi vấp ngã mới chợt tỉnh, thấy rằng cuối cùng vẫn là gia đình mới là nơi bao dung, che chở cho mình.

Nền tảng của gia đình chính là tình yêu thương. Khi mỗi người trẻ tuổi biết quý trọng và có ý thức vun đắp cho tình cảm ấy, họ sẽ thực sự hạnh phúc và đóng góp phần công sức không nhỏ trong việc xây dựng tổ ấm của gia đình mình.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động