Hà Nội

Ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ ngày 18 - 25/8, Hà Nội ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tháng 8/2023).
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết Người dân cần quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Cả nước ghi nhận 13 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi tuần đầu tháng 8/2023

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố đã có 5.564 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, dẫn đầu là huyện Thạch Thất với 656 ca, tiếp đến là huyện Thanh Trì (467 ca), quận Hoàng Mai (459 ca), quận Bắc Từ Liêm (363 ca) và quận Hà Đông (332 ca).

Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, 81 ổ dịch
Người dân phối hợp cán bộ y tế tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống sốt xuất huyết

Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố Hà Nội có thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất (với 13 ổ dịch), tiếp đến là quận Nam Từ Liêm (9 ổ dịch); Quận Đống Đa (8 ổ dịch); 3 quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình - mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận: Hà Đông, Hai Bà Trưng (5 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch); 3 quận, huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân - mỗi nơi 3 ổ dịch…

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm đến nay là 407. Hiện còn 153 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; Trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 362 bệnh nhân; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất có 218 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (229 bệnh nhân)…

Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được tập trung tại các ổ dịch ở các quận, huyện như: Thạch Thất, Hà Đông, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Đống Đa.

Qua đó, CDC Hà Nội yêu cầu, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết để tham mưu tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các địa phương cũng cần huy động ban, ngành, đoàn thể và lực lượng khác tham gia hỗ trợ.

Phòng tránh dịch sốt xuất huyết trước thềm năm học mới

Những ngày qua, một số bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và có chiều hướng tiếp tục gia tăng. Hiện tại, đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số trẻ sốt xuất huyết Dengue đến khám hằng ngày ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có xu hướng tăng.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận một bé gái sơ sinh chỉ 7 ngày tuổi mắc sốt xuất huyết, cân nặng lúc sinh 2.500gram và không có bất thường sau sinh.

Về mặt điều trị, theo các bác sĩ, bệnh nhi được truyền dịch, tiêm vitamin K, dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sát cân bằng dịch. Sau 6 ngày, bệnh nhi đã cắt sốt, không xuất hiện các triệu chứng xuất huyết nặng trên lâm sàng. Sau 11 ngày, số lượng tiểu cầu tăng lên 100 G/l, rối loạn đông máu trở về giá trị bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được cho ra viện.

Theo bác sĩ Trần Duy Mạnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị trực tiếp cho bệnh nhi, sốt xuất huyết là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới, tuy nhiên, sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh rất ít gặp. Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết ở bệnh nhi không điển hình, có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, theo dõi và điều trị không hợp lý có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Được biết, theo y văn, tỷ lệ sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường rất thấp. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp và ít phổ biến trên toàn thế giới nhưng trong những năm gần đây, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ tăng dần.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó, nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo và may mắn đã được điều trị kịp thời mang lại hiệu quả sau điều trị cao.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8/2023 đã tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sốt xuất huyết (tăng gần gấp đôi so với tháng 7/2023).

Năm học mới đang cận kề, ngoài dịch sốt xuất huyết, nhiều bệnh lây nhiễm có thể xuất hiện lây lan trên diện rộng như tay chân miệng, cúm, đau mắt đỏ... Thời điểm khi học sinh đi học trở lại, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng đối tượng mắc bệnh.

Hà Nội ghi nhận thêm hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, 81 ổ dịch
Cán bộ y tế tuyên truyền người dân ý thức phòng chống dịch sốt xuất huyết

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể. Thông qua kênh truyền thông của nhà trường sẽ giúp nâng cao ý thức phòng bệnh của giáo viên với học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động