EVN đề xuất các giải pháp để cân đối tài chính: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì?

Nhằm đảm bảo cân đối tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nhiều giải pháp khác ngoài việc tăng giá điện.
EVN muốn tăng giá truyền tải điện Tiêu thụ điện dịp Tết giảm mạnh, EVN buộc phải giảm phát nhiều loại nguồn điện EVN sẵn sàng cung cấp điện an toàn, ổn định dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

Chiều 2/2, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí liên quan đến đề xuất tăng giá điện cũng như việc xử lý khoản lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh giá điện, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN xây dựng phương án giá bán điện bình quân năm 2023 theo đúng quy trình tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.

Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu EVN cần khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh điện năm 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên bộ (gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2023 đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT ngày 30/12/2022, EVN ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 và tính toán giá bán điện bình quân.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

EVN đề xuất các giải pháp để cân đối tài chính: Thứ trưởng Bộ Công thương nói gì?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời họp báo

Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát đề xuất của EVN.

Việc điều chỉnh giá điện, theo lãnh đạo Bộ Công thương thì sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

"Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Hải cho biết.

Về xử lý khoản lỗ của EVN, ông Hải cho biết, theo báo cáo của EVN, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan rà soát đề xuất các giải pháp ngoài phương án điều chỉnh giá điện.

"EVN đã đề xuất một số giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và các năm tiếp theo để tạo điều kiện cho EVN tháo gỡ các khó khăn tài chính và đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới", ông Hải nói.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát, xử lý các giải pháp do EVN đề xuất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Công thương, EVN ước tính năm 2022, công ty mẹ, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Đặc biệt, năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.

Theo báo cáo của EVN, tập đoàn đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.

Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế hai năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.

Năm ngoái, EVN đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Hậu Lộc
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động