EVN muốn tăng giá truyền tải điện
Tiêu thụ điện dịp Tết giảm mạnh, EVN buộc phải giảm phát nhiều loại nguồn điện Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 2/2023 |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công thương trong đó có đề xuất tăng giá truyền tải điện.
Theo EVN, giá điện truyền tải năm 2022 đã được Bộ Công thương phê duyệt từ tháng 5/2022 với mức 75,85 đồng/kWh. Mức giá này được phê duyệt dựa trên các yếu tố như sản lượng điện truyền tải dự kiến 216,033 tỷ kWh.
EVN cho biết, so với mức tính toán của Bộ Công thương, thực tế sản lượng điện truyền tải năm ngoái thấp hơn kế hoạch 2,14%, chỉ đạt 211,4 tỷ kWh. Với mức này, EVNNPT ghi nhận doanh thu gần 16.172 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ gần 16.035 tỷ đồng và từ hoạt động tài chính xấp xỉ 137 tỷ. Tổng chi phí của doanh nghiệp là hơn 16.973 tỷ đồng, trong đó đã gồm lỗ chênh lệch tỷ giá.
Sau khi tính toán lại kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 trên cơ sở cập nhật sản lượng điện truyền tải, các chi phí khác đã thực hiện với giá truyền tải 75,85 đồng/kWh. Kết quả năm 2022, EVNNPT lỗ gần 684,86 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá, và trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.
Do đó, EVN kiến nghị Bộ Công thương duyệt điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2022 tăng thêm 3,24 đồng, lên mức 79,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVNNPT là 0%.
Ảnh minh họa |
Theo EVN, việc điều chỉnh giá truyền tải điện sẽ nhằm giúp EVNNPT không bị lỗ trong năm 2022, giúp doanh nghiệp giữ được hệ số đánh giá tín nhiệm, đảm bảo các cam kết với các tổ chức vay vốn và tiếp tục huy động được vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện.
Về hoạt động kinh doanh của tập đoàn, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Đặc biệt, năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.
Theo báo cáo mới nhất của EVN, tập đoàn đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm 2023, EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế hai năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Năm ngoái, EVN đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.