Đừng để ngộ độc hải sản trở thành nỗi lo mùa du lịch
Hải sản ngập tràn chợ quê ngày giáp Tết Phòng chống ngộ độc hải sản khi đi biển dịp hè Du khách Bắc Giang được trả lại 12 triệu đồng trong vụ “22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng” ở Nha Trang |
“Kỷ niệm nhớ đời”
Vừa trở về từ chuyến đi biển ngắn ngày nhưng gia đình chị Phạm Thanh Mai (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa hết bàng hoàng.
Chuyện là, tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần, gia đình chị Mai quyết định đi biển để thay đổi không khí và thưởng thức những món hải sản tươi ngon được đánh bắt trực tiếp.
Tối hôm đó, cả gia đình chị Mai rủ nhau đến một hàng ốc ven biển thưởng thức. Sau khi ăn, mọi người cảm thấy tê lưỡi, tê đầu môi, tê bì chân tay. Sáng ngủ dậy xuất hiện thêm tình trạng chóng mặt, đi lại khó khăn nên lập tức đến bệnh viện địa phương cấp cứu.
Ngay khi tiếp nhận cấp cứu và xác định tình trạng các bệnh nhân bị ngộ độc hải sản (ốc biển), các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị thải độc và hồi sức tích cực theo phác đồ.
May mắn sau 5 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe các thành viên trong gia đình chị Mai hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Anh Đinh Trung Anh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng kể lại kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến tổng kết cùng công ty năm ngoái. Địa điểm diễn ra là thành phố biển tuyệt đẹp ở miền Trung.
Lượng khách du lịch đổ về các thành phố biển tăng cao mỗi khi hè đến |
“Sau buổi tổng kết, tôi rủ thêm vài đồng nghiệp đi thưởng thức hải sản địa phương. Trong số đó, món khoái khẩu của tôi chính là sashimi. Bởi vì tôi cho rằng, hải sản sẽ càng bổ hơn nếu ăn sống, không qua chế biến nhiệt”, anh Trung Anh kể.
Tuy nhiên, vài ngày sau bữa ăn, anh Trung Anh đột nhiên đi phân đen, chóng mặt và thấy khó chịu ở vùng tim. Người nhà cho rằng bữa sashimi ngày hôm ấy có vấn đề nhưng anh không nghe, cho rằng nếu đồ ăn không ổn sẽ phải đau bụng ngay từ hôm đó.
Đến tối cùng ngày, cơn đau bụng của anh Trung Anh trở nên dữ dội hơn, tim đập nhanh, sốt và cơ thể rất yếu.
Các bác sĩ cho biết, qua xét nghiệm máu cho thấy huyết sắc tố của bệnh nhân giảm từ 14 xuống 10, triệu chứng thiếu máu. Nội soi dạ dày chỉ ra ngoài loét dạ dày và nhiễm khuẩn Helicobacter pylori còn có nhiều vật lạ có hình dạng sợi mì. Sau khi kiểm tra kỹ hơn thì nhận định đó là giun tròn dạ dày của động vật biển (Anisakzheim).
“Sau khi nghe kết quả chẩn đoán, tôi rất bất ngờ và hối hận vì không ngờ kiểu ăn hải sản tưởng là bổ, tốt của mình lại nguy hiểm như vậy”, anh Trung Anh tâm sự.
Theo bác sĩ, hầu hết những người bị nhiễm giun tròn dạ dày động vật biển thường không cảm thấy triệu chứng gì rõ ràng và phần lớn đều vô tình được phát hiện khi nội soi dạ dày.
Theo thống kê, nếu có triệu chứng thì chúng thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi tiêu thụ, nên dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày ruột cấp tính. Con người không phải là vật chủ chính của giun tròn dạ dày động vật biển. Nó không thể đẻ trứng và sinh sản trong cơ thể con người.
Thường chúng sẽ chết sau vài ngày, ngay cả khi xuất hiện các triệu chứng, hầu hết chúng sẽ biến mất và tự hồi phục trong vòng 2-3 tuần. Một số ít có thể tồn tại hơn vài tháng và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan và gây tử vong.
Vì sao ăn hải sản dễ ngộ độc?
Theo BS Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, ngộ độc cá biển hay một số loại hải sản khác là khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do cá biển bị phơi nhiễm độc tố từ môi trường.
Thứ nhất, các nhóm độc tố như Ciduatoxin (CTX) có tính bền nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng. Chất độc này có nguồn gốc từ vi tảo, bám trên các loài tảo lớn hay rong biển khu vực rạn san hô. Các loài cá ăn thực vật làm tích lũy chất độc này trong cơ thể.
Nhiều du khách thích mua hải sản tươi ngay trên mép nước tại bến thuyền neo đậu của ngư dân |
Ngoài ra, do chuỗi thức ăn của biển (cá lớn ăn cá bé) nên các loại cá to thường chứa nhiều độc tố hơn. Cá loại cá có nguy cơ nhễm độc tố CTX như cá hồng, cá mú, cá ngừ, cá chình.
Thứ hai, cá biển cũng có sẵn độc tố trong cơ thể chúng. Các chất độc này có thể ở gai cá, vây lưng, vây bụng, ngực như cá mó, chất độc ở cơ quan sinh dục cá như cá nóc, cá mòi, cá bẹ, cá trích, cá chình.
Chất độc tồn tại trong trứng cá như cá nóc, cá nhám. Chất độc này rất bền với nhiệt độ và các hóa chất khác và có khả năg lưu thông trong máu của cá.
Thứ ba, cá biển được ủ đá lâu ngày trước khi tiêu thụ, có thể dẫn đến tình huống cá chết lẫn vào cá còn sống, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Một số loại cá ươn nguy hiểm như cá ngừ.
Vi khuẩn xâm nhập sinh ra Decarboxylase chuyển hóa Histidine thành histamine trong thịt, mang, ruột cá. Histamine trong hải sản gây ngộ độc từ 4 giờ sau ăn, dấu hiệu như đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, cảm giác khó chịu.
Để không còn nỗi lo ngộ độc hải sản...
Trên thực tế, không có cơ sở khoa học hay nghiên cứu rõ ràng nào cho thấy ăn hải sản sống bổ hơn, giữ được nhiều dinh dưỡng hơn nấu chín. Chưa kể, điều này còn phụ thuộc vào loại hải sản, cách chế biến và cách kết hợp thực phẩm của người dùng.
Trong khi đó, ăn hải sản tươi sống hay bất kỳ thực phẩm sống, tái nào đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng trong trường hợp nghiêm trọng.
Theo BS Đào Trần Tiến - Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các loại hải sản cần được lựa chọn khi còn tươi sống trước khi chế biến, sơ chế đảm bảo vệ sinh và nấu chín kỹ trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh. Mọi người không nên sử dụng hải sản đã ôi thiu, bảo quản lâu ngày do có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Độc tố của một số vi khuẩn hoặc chất độc tự nhiên như tetrodotoxins có thể chịu được nhiệt độ cao, dù đã được nấu chín, chế biến kỹ vẫn tồn lưu trong hải sản, gây ngộ độc sau ăn.
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn hải sản đã nấu chín vừa phòng ngộ độc vừa vẫn bồi bổ, tốt cho cơ thể |
Hải sản cũng là loại thực phẩm có hàm lượng protein, đạm và khoáng chất cao nên nếu ăn nhiều, hệ tiêu hóa khó hấp thu và chuyển hóa hết, gây rối loạn tiêu hóa.
Do đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo không nên ăn lẫn hải sản với nhiều loại thực phẩm vì điều này sẽ gây hậu quả xấu cho đường tiêu hóa như đầy bụng, đau bụng... chưa kể có nhiều loại khi kết hợp sẽ gây ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Ngoài ra nhiều khách du lịch còn muốn thưởng thức những loại hải sản lạ, cũng gây khả năng ngộ độc cao.
Đối với một số hải sản phải sử dụng tươi sống như hàu, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng chỉ ra nhóm đối tượng cần hạn chế ăn hải sản tươi sống, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch, người gầy yếu hoặc người mắc bệnh về gan, nghiện rượu. Những đối tượng này nếu bị ngộ độc sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, không nên ăn hải sản ở vùng có thủy triều đỏ, do hải sản ở nơi này dễ nhiễm phải tảo độc, gây ngộ độc, nhất là các loại nghêu, sò, trai, ngao... Khi mua hải sản, không nên mua tôm, cua, sò, ốc, hến... đã chết, vì hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc, rất nguy hiểm.
Ngộ độc hải sản do nhiễm khuẩn sẽ gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Đối với những trường hợp này, cần tuân thủ nguyên tắc bù nước, bù muối ngay tại nhà.
Nghiêm trọng hơn, nếu bệnh nhân gặp phải các triệu chứng liên quan đến thần kinh, tim mạch thì cần sơ cứu ngay tại chỗ, sau đó lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.