Dùng côn trùng, ve sầu làm thức ăn dễ ngộ độc thực phẩm

Trên thực tế, không ít ca ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ việc sử dụng những món ăn bắt nguồn từ côn trùng.
Sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra cơ sở kinh doanh hóa chất diệt côn trùng

Hãi hùng những món đặc sản từ côn trùng

Ở nhiều địa phương, mùa hè ve sầu sống nhiều trên các cây điều, chôm chôm hoặc cây rừng. Người dân bắt những con ve trong khoảng thời gian chúng lột xác rồi chế biến thành ve sầu rang lá chanh, ve sầu chiên... Món ăn này nhanh chóng trở thành đặc sản lạ miệng dùng đãi khách.

Do thời gian sinh sống chủ yếu dưới lòng đất, ve sầu dễ nhiễm các loại nấm độc ký sinh. Ve sầu đã bị chết ngoài tự nhiên dễ bị nhiễm nấm độc hay vi khuẩn... hoặc khi chế biến chưa làm sạch dễ phát sinh độc tố.

Ngộ độc sau khi ăn 10 con ve sầu rang lá chanh
Bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn 10 con ve sầu rang lá chanh (Ảnh minh hoạ)

Đến nay chưa có nghiên cứu khoa học chính thức nào về dinh dưỡng trong ve sầu khi sử dụng làm thức ăn. Tuy nhiên, thói quen truyền miệng, nhiều người vẫn coi ve sầu là món nhậu ngon.

Trường hợp của bệnh nhân nói trên do có tiền sử dị ứng nhộng tằm. Tuy nhiên do không biết mình bị dứng ve sầu, bệnh nhân đã thử ăn ve sầu rang lá chanh lần đầu tiên, món ăn thơm ngon và bùi bùi nên đã ăn khoảng gần 10 con.

Ngay sau đó trên người bệnh nhân bắt đầu xuất hiện sẩn ngứa toàn thân, kèm theo buồn nôn và nôn, tim nhịp nhanh, khó thở…

Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, đỡ ngứa, không còn buồn nôn và không khó thở. Đây không phải là trường hợp đầu tiên ngộ độc khi ăn ve sầu. Nhiều người đã bị nôn ói, chóng mặt, ngộ độc nặng khi sử dụng ve sầu làm thực phẩm.

Bác sĩ Ma Thị Oanh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông tin, đối với trường hợp nhẹ, một số người khi ăn ve sầu có thể bị dị ứng như nổi mề đay, mẩn ngứa khắp người. Đối với trường hợp nặng, người bệnh có các triệu chứng khó thở, nôn mửa, co giật, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Oanh cũng khuyến cáo đối với những người có cơ địa dị ứng với thức ăn (đặc biệt là dị ứng hải sản) cần chú ý cẩn trọng khi ăn ve sầu. Nếu thấy các dấu hiệu sẩn ngứa, khó thở… nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ đặc sản côn trùng

Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn côn trùng, thậm chí dẫn đến tử vong tại một số địa phương.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung tâm từng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu vì đau bụng, rát miệng, họng, nôn ra máu... do ăn bọ cánh màu vàng đen thường có ở cây ngô, cây đậu còn gọi là sâu ban miên. Trẻ bắt sâu ban miêu về chế biến thành món ăn...

Bác sĩ Nguyên chia sẻ, ngộ độc do sâu ban miêu để lại hậu quả rất nặng nề. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc qua đường tiêu hóa bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỷ lệ tử vong đến hơn 50%.

Các bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axít nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng nhiều lần cảnh báo về hiện tượng ngộ độc, thậm chí tử vong do ăn côn trùng.

Theo Cục An toàn thực phẩm, tại Việt Nam, việc sử dụng cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây... làm thức ăn, thậm chí được chế biến thành những món “đặc sản” như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên... khá phổ biến.

Theo Cục An toàn thực phẩm, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thường là do sử dụng côn trùng đã chết (sinh ra độc tố); Tiếp xúc hoặc ăn nấm độc, nhựa cây độc như cây cọc rào, thầu dầu tía... hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; Do cơ địa người ăn mẫn cảm với protein lạ trong côn trùng.

Triệu chứng ngộ độc nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo loại độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, người có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).

Dấu hiệu ngộ độc thường là buồn nôn, nôn, run tay chân; một số trường hợp nặng thì nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.

Vì thế, để phòng ngừa, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không ăn các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên; Không nên dùng các loại côn trùng lạ để chế biến thành các món ăn tái, sống, hoặc ngâm rượu... Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động