Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước giúp giải tỏa thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 23/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành liên tiếp Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN về điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng.
Cụ thể, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay tiêu dùng và điều chỉnh lại cách trích lập dự phòng đối với các khoản vay nói trên.
Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay).
Ảnh minh họa. |
Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng.
Với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.
Nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như VPBank, Techcombank, MB… vì các ngân hàng này có khả năng sẽ đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng khác (có mô hình kinh doanh "an toàn" hơn như ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong giai đoạn này.
Trong khi đó, với việc Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định dừng thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Theo, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (~2% tại cuối quý I/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Ngoài ra, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cũng sẽ giúp tăng cầu trái phiếu và kỳ vọng sẽ có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp như Techcombank, MB, VPBank. Tuy nhiên, còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là khi hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn là mục tiêu tăng trưởng.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn Thông tư số 03/2023/TT-NHNN với quy định cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước đây đã bán, trái phiếu chưa lên sàn… sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có cơ hội để các ngân hàng thương mại mua lại, giảm bớt áp lực dòng tiền hiện nay. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.