Độc đáo Lễ hội rước “Ông Lợn” làng La Phù Hà Nội
Cứ đến ngày 13 tháng Giêng hàng năm, khai xuân đầu năm lễ hội rước lợn được diễn ra tại làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) thu hút đông đảo du khách đến tham dự.
Lễ rước "Ông lợn" được chuẩn bị rất trang trọng
Từ xưa đến nay, lễ rước “Ông lợn” đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù. Tương truyền, lễ rước “Ông lợn” là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ vững bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc ông lại thổi xôi, mổ lợn khao quân. Người dân trong làng khi đó thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng làng.
Người dân ùn ùn kéo nhau về xem rước "Ông lợn"
Năm nào cũng vậy, cứ 18h ngày 13 tháng Giêng, bất kể nắng hay mưa, dân làng La Phù vẫn giữ truyền thống mổ lợn và rước lợn vào đình làng. Lễ hội năm nay, các xóm chọn ra được 17 "ông lợn" đạt tiêu chuẩn tham dự. 17 "ông lợn" sẽ được mổ và làm sạch trước khi đem đến lễ rước. 21h ngày 13 tháng Giêng, các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các bậc cao niên.
"Ông lợn" được trang trí đẹp, nằm trên kiệu có lọng che
Việc quan trọng và cẩn thận nhất là khoác áo choàng lên cho "Ông lợn". Áo choàng là lớp mỡ được bóc ra từ chính "Ông lợn". Tiêu chuẩn lợn rước phải có vóc dáng cân đối, tướng mã đẹp, lưng to phẳng như cái phản, màu da trắng tinh, không được có màu vết đen hay màu loang lổ. Các Ông đều là lợn đực đã thiến, và quan trọng nhất phải có đuôi. Xưa kia, chủ yếu nuôi giống lợn nội, các Ông lợn tế chỉ dưới 50kg. Ngày nay, các Ông lợn tế càng to càng tốt, tối thiểu phải 250kg trở lên. Lợn to để sau khi tế lễ xong còn chia phần “thụ lộc”. Lợn tế khi lên kiệu dáng đẹp, da đẹp dân làng tin rằng trong năm sẽ gặp những điều thuận lợi khi làm ăn.
Đến 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 1,2h sáng hôm sau. Sau khi làm lễ xong, các xóm làng sẽ rước các “ông lợn” trở lại nhà và chia lợn phát lộc cho các hộ gia đình.
Video do báo Người đưa tin thực hiện