Doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Doanh nhân Cao Tiến Đoan: Cần có “cuộc cách mạng” cải cách hành chính Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức Nghị quyết 41-NQ/TW: Nức lòng giới doanh nhân |
Nghĩ cách vượt khó trong suy thoái
Mặc dù dịch COVID-19 đã qua đi nhưng hệ luỵ để lại còn dai dẳng, đại dịch là nguồn gốc sâu xa gây nên cơn bão lạm phát và kinh tế toàn cầu suy giảm sâu, đặc biệt đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn nên cũng không nằm ngoài tác động.
Trong khi các doanh nghiệp vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch COVID-19 và bắt đầu quá trình phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế, bất ổn địa chính trị toàn cầu lại ập đến khiến nền kinh tế khó khăn lại càng gian nan hơn.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do suy thoái kinh tế thế giới, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn còn có nguyên nhân từ những bất cập trong nội tại của nền kinh tế. Trước hết, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, xu thế cải cách chững lại khiến môi trường kinh doanh xấu đi, điều kiện kinh doanh đang có rào cản khó vượt hơn trước.
Thực tế, thời gian qua, với quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Rất nhiều nhiều chính sách, giải pháp đã được Chính phủ và các địa phương khẩn trương ban hành, triển khai thực hiện, tạo hiệu ứng tích cực, khắc phục các điểm nghẽn và bất cập của nền kinh tế, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings đánh giá cao những chính sách, giải pháp mà Chính phủ ban hành. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp “hồi sức sau cơn bạo bệnh”. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện nay chỉ mới trong thời gian “cầm cự” chứ chưa thể “khỏi bệnh” hoàn toàn bởi có quá nhiều khó khăn bủa vây.
Ông Trần Hồng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings. |
Theo ông Phúc, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là vấn đề dòng tiền. Thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu bộc lộ những rủi ro tiềm ẩn khiến nhà đầu tư trái phiếu ồ ạt đi rút tiền, ảnh hưởng đến khả năng xoay dòng vốn của chủ đầu tư các dự án bất động sản. Điều này cũng gây ảnh hưởng dây chuyền đến doanh nghiệp khi không có tiền chi trả cho các nhà thầu thi công.
“Thời gian qua, các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khi thị trường đóng băng, không bán được hàng nên không có nguồn vốn để thanh toán công nợ cho các nhà thầu”, ông Phúc chia sẻ.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên phải đối mặt những “cú sốc” kinh tế với tần suất dày nên càng khó khăn trong việc phát triển. Điều đó khiến doanh nghiệp “chậm lớn”.
“Doanh nghiệp Việt Nam chậm lớn vì phải đối mặt với chu kỳ khủng hoảng quá gần, cứ vài năm lại một cú sốc. Tuy nhiên, do đã phải trải qua với nhiều biến cố nên các doanh nghiệp đã hình thành “vắc xin” kháng thể để có thể vượt qua mọi khó khăn”, ông Phúc chia sẻ.
Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt, chủ động, không khoanh tay đứng nhìn và không thấy khó là nản; Phải cùng nhau tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất phù hợp với bối cảnh mới.
“Nhờ có sự chuẩn bị và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời trong chiến lược kinh doanh nên công ty vẫn hoạt động ổn định và luôn đảm bảo đầy đủ các chế độ cho công nhân, người lao động”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings nói.
Phải thay đổi để thích nghi và phát triển
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Thanh Quân, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn (trụ sở ở Thanh Hóa) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, ngành xây lắp nói riêng đều đang rất gian nan.
Ngoài các nguyên nhân bên ngoài như kinh tế thế giới suy thoái thì việc khó tiếp cận nguồn vốn vay, giá cả vật liệu, nhiên liệu tăng cao, những vướng mắc về phòng cháy chữa cháy; Sự chồng chéo, chưa thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến việc triển khai các dự án bị chậm... khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Quân, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn. |
Theo ông Quân, trong thời gian qua, Trung ương và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiều giải pháp vĩ mô, mang tính định hướng lâu dài và có những giải pháp cấp thiết hỗ trợ trước mắt cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Có những chính sách đầy tính nhân văn nhưng rất tiếc là doanh nghiệp chưa tiếp cận được, chưa thực sự được hưởng lợi, ví dụ như nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất...”, ông Quân chia sẻ.
Do đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nên điều chỉnh lại các tiêu chí cho phù hợp, đơn giản hóa trình tự thủ tục để doanh nghiệp có cơ hội dễ tiếp cận và hưởng ưu đãi của các gói hỗ trợ trên. Quan trọng nhất vẫn là đúng đối tượng và phải kịp thời.
Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp cần phải chủ động điều chỉnh từ bộ máy tổ chức đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ.
Theo ông Quân, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp nên lượng sức mình, nên đầu tư tập trung vào những thế mạnh của mình, tránh đầu tư dàn trải, không phải sở trường.
Cùng với đó, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng quản trị, đầu tư và áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tham khảo từ cách quản lý đến mô hình hoạt động của các công ty đã thành công cùng lĩnh vực.
"Công ty hoạt động chủ yếu là thi công các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, ngoài ra cũng tham gia một số các lĩnh vực khác như đầu tư, thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn này, chúng tôi cố gắng hoạt động để đảm bảo việc làm cho người lao động, không nợ lương, không nợ thuế và nghĩa vụ ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Thanh Quân cho biết.