Doanh nghiệp nước ngoài "than" cấp phép lao động ở Việt Nam mất rất nhiều thời gian

Liên quan đến quy trình cấp giấy phép lao động tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhận được phản ánh vướng mắc về quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép mất rất nhiều thời gian.
Trên 28.400 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài Nỗ lực triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp, ổn định thị trường lao động

Đây là thông tin được ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023.

Theo ông Hong Sun, liên quan đến quy trình cấp giấy phép lao động, KoCham đã nhận được phản ánh vướng mắc về quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép mất rất nhiều thời gian.

Ngay cả sau khi nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ dẫn đến thông thường phải mất 2-3 tháng mới được cấp giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung. Trường hợp phải bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu.

Doanh nghiệp nước ngoài
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) nên kiến nghị tại diễn đàn. Ảnh: VGP.

Do đó, KoCham đề nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp. Kể từ tháng 2/2021, điều kiện cấp giấy phép lao động đã được thắt chặt hơn theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP.

"Điều này dẫn đến việc người lao động sẽ không được cấp giấy phép lao động theo diện chuyên gia nếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương ứng không đủ từ 3 năm trở lên", ông Hong Sun nói.

Ngoài ra, liên quan đến cộng đồng Hàn Quốc, những học viên hoàn thành Khóa đào tạo nhà quản lý và nghiệp vụ trong thời gian 1 năm theo Chương trình K-Move School do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức nhằm hỗ trợ các nhân lực trẻ không được cấp giấy phép lao động diện chuyên gia do không đáp ứng đủ số năm kinh nghiệm làm việc. Dù thời gian đào tạo của Chương trình K-Move School ngắn, nhưng những người được lựa chọn đào tạo nghiệp vụ tập trung theo Chương trình này có đầy đủ năng lực ngang tầm chuyên gia.

Do đó, KoCham đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cấp giấy phép lao động diện chuyên gia cho những người đã hoàn thành chương trình này. Trường hợp việc cấp giấy phép lao động diện chuyên gia gặp khó khăn, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để họ được cấp giấy phép lao động diện giám đốc điều hành do đa phần họ đảm nhận vai trò người đứng đầu trong doanh nghiệp.

"Cần có hướng dẫn cụ thể về văn bản, giấy tờ xin cấp giấy phép lao động diện nhà quản lý và chuyên gia, đồng thời cần xem xét để thống nhất các văn bản, giấy tờ ở tất cả các địa phương", ông Hong Sun kiến nghị.

Cũng có ý kiến liên quan đến vấn đề lao động, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, trong thị trường toàn cầu ngày nay, Việt Nam cũng cần thu hút và giữ chân người tài. Để làm đươc điều đó, các thủ tục giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa. Cần lưu ý rằng đầu tư nước ngoài chất lượng cao là điều cần thiết cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không thể thu hút những nhà đầu tư này nếu chúng ta không thể tuyển dụng và giữ chân những người giỏi.

"Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục", ông Gabor Fluit nói.

Do đó, theo ông Gabor Fluit, để khai thác hoàn toàn tiềm năng của lực lượng lao động đa dạng và tài năng của, Việt Nam cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Bộ luật Lao động và Nghị định 152. Điều này cho phép Việt Nam sử dụng tối đa lực lượng lao động đa dạng, tài năng, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.

Tương tự, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng cho rằng, các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Chúng tôi đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.

Hậu Lộc
Phiên bản di động