Doanh nghiệp kiến nghị thành phố giảm thuế, giãn nợ, hỗ trợ các thủ tục hành chính

Tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp diễn ra chiều 16/4, nhiều doanh nghiệp kiến nghị thành phố Hà Nội xem xét giảm hoặc gia hạn nộp tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; giãn thời gian nộp thuế để doanh nghiệp tập trung nguồn lực ổn định sản xuất, kinh doanh.
Thành phố cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Thành phố Hà Nội đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn Chiều nay, thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bày tỏ với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, Tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề, sơ bộ gần 1.000 tỷ đồng, 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Các lĩnh vực du lịch, khách sạn... của Tập đoàn bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong công tác chống dịch, Tập đoàn đã đóng góp, trao tặng 5 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, 16 nghìn suất quà trị giá 1,4 tỷ đồng cho người khó khăn bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Hệ thống siêu thị BRG mart đã đẩy mạnh cung ứng hàng hoá cho nhân dân, mở rộng điểm bán.

Tập đoàn kiến nghị, để bảo đảm việc cung ứng hàng hoá thuận lợi, thành phố bố trí lực lượng chức năng, trật tự đến các điểm bán lẻ, siêu thị hỗ trợ giữ trật tự, khoảng cách, an toàn khi có quá đông người dân tập trung.

Đối với các khách sạn, du lịch, dịch vụ, Tập đoàn mong muốn thành phố nhanh chóng cho phép mở cửa lại với các điều kiện an toàn về khoảng cách, số lượng người để giúp doanh nghiệp cơ bản duy trì.

Đồng thời, Tập đoàn kiến nghị giảm mức thuế doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong năm 2020 (khoảng 50%), không tính doanh thu khoản phí phục vụ, áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0% hoặc giảm 50%, miễn thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020, thuế thuê đất.

Đối với các công trình xây dựng trong điểm, đề nghị cần đơn giản hoá các thủ tục hành chính, xe vận chuyển nguyên vật liệu, lao động... để nhanh chóng hoàn thành. Với các dự án đầu tư xây dựng có tầm ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến kinh tế Thủ đô cần được hỗ trợ đẩy nhanh quá trình thủ tục hành chính, cho khởi công tạo động lực phát triển nhanh.

“BRG hiện có các dự án như thành phố thông minh (huyện Đông Anh), công viên Hello Kitty (quận Tây Hồ)... Tập đoàn đề nghị giãn thời gian thanh quyết toán thuế để doanh nghiệp kịp trở lại với mức tăng trưởng sau khi dịch qua đi” – bà Nga kiến nghị.

Doanh nghiệp kiến nghị thành phố giảm thuế, giãn nợ, hỗ trợ các thủ tục hành chính

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội, mong thành phố có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tiếp cận các chính sách, các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố.

Theo ông Hiển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chỉ tập trung vào một số thị trường lớn nhưng các thị trường này cũng lại là vùng dịch lớn của thế giới, rất khó cả “đầu vào” và “đầu ra”. Thành phố hiện có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhưng thực tế là doanh nghiệp rất khó tiếp cận các quỹ này. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất cần nguồn lực hỗ trợ này nên mong thành phố ưu tiên, sử dụng hiệu quả các quỹ.

"Với các doanh nghiệp lớn, khả năng chịu đựng sẽ cao hơn nhưng với các doanh nghiệp nhỏ, “một đồng thuế” cũng rất quý. Các doanh nghiệp này mong được hỗ trợ giảm, giãn thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" - ông Hiển kiến nghị.

Chung mối quan tâm, đại diện Tập đoàn FLC cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng dịch Covid-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp.

Đại diện FLC mong kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp. Về lĩnh vực du lịch, hiện nay quy định của luật, chưa xác định du lịch là một trong những ngành được ưu đãi đầu tư, vì vậy, cần xem xét cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực đầu tư du lịch.

Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu "đứt gãy" dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Về du lịch, dịch làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ, nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng tập đoàn vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Tập đoàn Vingroup đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt...

Còn theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, trong 2 tuần giãn cách xã hội, các hãng hàng không chỉ thực hiện 2 đến 5% công suất. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia nên được giao khai thác ba đường bay. Trong 100 năm phát triển của ngành hàng không, chưa bao giờ có tình trạng này. Cả thế giới có khoảng 2.100 chiếc máy bay thì hiện dừng đến 1.900 chiếc. Tốc độ triển khai các gói hỗ trợ sao cho nhanh nhất. Sau dịch bệnh thì cần ít nhất 5 năm mới bù được khoản lỗ phát sinh, nên doanh nghiệp mong các chính sách hỗ trợ không chỉ diễn ra trong thời gian dịch bệnh mà cả thời gian sau đó.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động