Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu tốn kém nếu xuất hóa đơn từng lần bán

Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội kiến nghị xem xét lại yêu cầu các cây xăng phải hoá đơn điện tử từng lần bán, vì gây tốn kém, khó thực hiện.
Chính phủ đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu đến hết năm 2024 Cây xăng phải triển khai ngay việc xuất hóa đơn điện tử mỗi lần bán Thủ tướng: Xử lý nghiêm cây xăng dầu cố tình không xuất hóa đơn điện tử

Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Cty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) vừa có đơn kiến nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc thực hiện hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Theo ông Giang Chấn Tây, vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định rõ: "Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán”.

Như vậy, mỗi lần nhấc cò bơm xăng dầu được xuất một hóa đơn điện tử riêng biệt, bao gồm thông tin về sản phẩm, giá cả, thông tin thanh toán và thông tin khách hàng, bất kể là bơm thử, bơm phục vụ công tác kiểm định hay kiểm tra, không phân biệt giá trị mua hàng. Điều này khiến doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, về nhân lực, đa số nhân viên bán xăng là lao đông phổ thông, trình độ tay chân, khó có thể vừa bán hàng, vừa xuất hóa đơn, theo dõi quản lý hệ thống hóa đơn điện tử phức tạp.

Về trang bị, ông Tây cho rằng để thực hiện quy định này, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc phải bỏ các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng được để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn máy in.

"Điều này cực kỳ lãng phí, khi bỏ tất cả các đầu số đang còn giá trị sử dụng lâu dài. Tính trung bình, mỗi cửa hàng 4 trụ bơm, phải tốn 60 - 80 triệu đồng, nếu tính cả nước, con số này tốn hơn 1.360 tỷ đồng", ông Giang Chấn Tây tính toán.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu tốn kém nếu xuất hóa đơn từng lần bán
Ảnh minh họa.

Ông Giang Chấn Tây cũng dẫn tính toán của Bộ Công thương, cho rằng mỗi cửa hàng khi xuất hóa đơn điện tử sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm, phần cứng... Nếu áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí có thể đứt gãy nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Ông này cũng đưa ra tính toán, cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng thì con số đầu tư cho trang thiết bị tầm khoảng 7.000 tỷ đồng. Chi phí cho hóa đơn điện tử từng lần sẽ cực kỳ lớn và tiêu tốn tiền hóa đơn điện tử của doanh nghiệp gấp hàng trăm lần như hiện tại.

Trên cơ sở đó, ông Giang Chấn Tây kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra ở khâu đầu nguồn xăng dầu, các tổng kho đầu mối để chống thất thu thuế. Bởi "đây mới là giải pháp mang tầm quốc gia, vì khi nhập hàng về số lượng lớn, phải lưu kho, nên quản lý tốt hơn".

Việc xuất hóa đơn điện tử là việc làm của 100% các doanh nghiệp bán lẻ đang thực hiện. Ông Tây cho rằng, hiện không có doanh nghiệp bán lẻ nào có khả năng pha chế hay tự nhập hàng lậu về nên việc kiểm soát hàng lậu đối với đại lý bán lẻ là không cần thiết.

Đại diện một doanh nghiệp bán lẻ khác cũng cho rằng, xuất hóa đơn điện tử là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, theo thói quen và nhu cầu nên người mua lẻ không nhận hóa đơn.

"Trường hợp này doanh nghiệp tổng hợp xuất hóa đơn điện tử vào cuối ngày, vẫn đảm bảo sổ sách kế toán khớp giữa hóa đơn đầu vào, đầu ra và hàng tồn kho, kể cả khớp với số cơ của trụ bơm mà cơ quan thuế đang đến cửa hàng xăng dầu ghi nhận hàng quý, bởi xăng dầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", vị này cho biết.

Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính nên để doanh nghiệp bán lẻ thực hiện xuất hóa đơn điện tử như hiện nay mà không xuất theo từng lần bán hàng.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1284/CĐ-TTg giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định; hoàn thành trong tháng 12/2023.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin hóa đơn điện tử của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành chậm nhất trong quý I/2024.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan khác tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động