Dọa "chôn sống" nam thanh niên, nhóm người đối diện tội đe dọa giết người
Hành vi của Dương và các đối tượng trong vụ việc trên có thể cấu thành tội đe dọa giết người theo quy định mới nhất của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 133 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đe dọa giết người - Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: + Đối với 2 người trở lên; + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; + Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; + Đối với người dưới 16 tuổi; + Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác. |
Cụ thể, Căn cứ quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự thì đe dọa giết người bị coi là tội phạm, là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau qua điện thoại, thư từ…hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể…
Ở đây, theo hình ảnh trong clip trên mạng xã hội, nhóm của Dương có hành vi đánh đập, "chôn sống" 1 nam thiếu niên như thời Trung cổ.
Theo đó, nhóm của Dương (gồm 13 người) đã bắt nam thiếu niên cởi hết quần áo, chỉ còn mặc quần lót rồi dùng dép đánh. Sau đó, nhóm người trên cho thiếu niên này vào hố trong tình trạng hai tay bị trói, dùng bao trùm kín phần đầu lại rồi lấp cát “chôn sống” người này.
Chắc chắn với những hành động cụ thể trên, N.Q.V (trú tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) – là người bị dọa “chôn sống” cảm thấy rất lo sợ là mình sẽ bị giết.
Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa… Tất cả những điều trên đều thể hiện trong đoạn clip trên mạng xã hội (xuất hiện ngày 27/3) khiến dư luận rùng mình, phẫn nộ. Nhất là những hành động đó lại xảy ra đối với thiếu niên – là đối tượng đang trong độ tuổi được bảo vệ.
Ảnh cắt từ clip V bị đe dọa "chôn sống" (nguồn NLĐ) |
Lỗi của nhóm Dương là lỗi cố ý. Dương và nhóm người đi cùng chắc chắn nhận thức được hành vi của mình có thể gây ra sự lo sợ cho người khác, có thể dẫn đến hậu quả như lời đe dọa nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Bởi bước đầu khai nhận tại cơ quan công an, nhóm của Dương được bố mẹ của V nhờ răn đe V vì mượn xe máy đi cầm cố.
Hành vi của nhóm Dương đã xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của V. Tội đe dọa giết người được coi là tội phạm ít nghiệm trọng, do đó khung hình phạt cơ bản của tội này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, nhóm của Dương lại phạm một trong những tình tiết tăng nặng là đe dọa giết trẻ em, có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Do đó, nhóm người do Dương cầm đầu có thể đối diện với mức án cao nhất của tội “đe dọa giết người” là 7 năm.
Nhìn một cách rộng hơn, ngoài vấn đề vi phạm pháp luật của nhóm Dương còn có một điều khiến dư luận băn khoăn, lo lắng là việc hành vi, lối sống của một bộ phận thiếu niên ngày nay, trong đó có V. Vì ăn chơi, không trú tâm vào học hành nên đã gây ra những sự việc đáng tiếc (mượn xe máy của người khác đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài cá nhân). Đây là những sự việc mà phụ huynh của V nói riêng, nhiều phụ huynh có con cũng đang trong độ tuổi niên thiếu không thể chấp nhận được nên mới bực tức, nhờ người răn đe. Rất may sự việc chỉ dừng lại ở "đe dọa giết người" chứ chưa đến mức sơ sẩy xảy ra án mạng, nếu không người thiệt thòi nhất vẫn là V.