Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 14/4: Thế giới trên 120.000 người chết, nước Mỹ tiến gần đỉnh dịch
Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà tang lễ Shamgar ở Jerusalem, Israel ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.920.258 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 119.413 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 5.217 người thiệt mạng vì COVID-19 và 69.206 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 443.192 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 51.719 người đang trong tình trạng nguy kịch trên tổng số 1.356.275 bệnh nhân được điều trị.
Mỹ: Dự báo đạt đỉnh dịch trong tuần này
Tới 6h sáng 14/4 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận thêm 23.570 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 583.870, và thêm 1.579 người tử vong trong vòng 24h, trong tổng số 23.485 ca tử vong.
Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, ông Robert Redfield cho biết dịch COVID-19 tại Mỹ có thể đạt đến đỉnh điểm trong tuần này. Trả lời phỏng vấn đài NBC, ông Redfield cho biết: "Chúng ta đang gần đến đỉnh dịch, đó là khi ngày hôm sau có ít ca nhiễm hơn ngày hôm trước". Trong khi đó, mô hình dịch của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington dự đoán ngày 13/4 (theo giờ Mỹ) sẽ là ngày đỉnh điểm số ca tử vong tại Mỹ, với khoảng 2.150 ca tử vong do COVID-19. Ngoài ra, mô hình dự báo có tổng cộng 68.841 người sẽ thiệt mạng tại Mỹ tới tháng 8, trong khi nước Mỹ đã đạt "đỉnh điểm về sử dụng nguồn lực" từ ngày 10/4. Ở cấp bang, tiểu bang New York đã đạt đỉnh điểm ca tử vong trong ngày 10/4, nhưng trong những tuần tới dự báo vẫn có hàng trăm người chết mỗi ngày. Một số bang vẫn còn chưa tới đỉnh điểm ca tử vong/ngày, như Florida - dự báo vào 6/5; Texas vào 30/4, California vào 19/4. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 13/4 phát biểu rằng: "Thời điểm tồi tệ nhất đã qua, nếu chúng ta tiếp tục thông minh trong tương lai. Bởi vì hãy nhớ rằng chúng ta đặt bàn tay trên cái van. Nếu xoay van đó quá nhanh, các bạn sẽ thấy con số đó nhảy ngược lại ngay".
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới trung tâm y tế Wyckoff Heights tại New York, Mỹ ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Liên quan đến quyết định mở cửa lại nền kinh tế, ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh, chỉ ông mới có quyền quyết định về vấn đề này, thay vì các thống đốc bang. Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Đó là quyết định của Tổng thống, và vì nhiều lý do tốt đẹp. Về điều đang được đề cập đến, Chính quyền và Tôi đang hợp tác chặt chẽ với các thống đốc, và việc này sẽ tiếp diễn. Một quyết định do tôi đưa ra, cùng với các Thống đốc và sự tham gia của những người khác, sẽ nhanh chóng được thực hiện!". Xung quanh những đồn đoán về tương lai của bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, Tổng thống Trump ngày 13/4 cho biết ông không có ý định sa thải bác sĩ Fauci. Về phần mình, ông Fauci giải thích lại về tình huống ông "dùng sai từ" khi trả lời phỏng vấn CNN hôm 12/4.
Trong phát biểu cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bày tỏ thận trọng khi nói rằng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để kết thúc phong tỏa. Bà thừa nhận rằng "tất cả chúng ta đều muốn chấm dứt các lệnh phong tỏa để người dân Mỹ trở lại làm việc và sống bình thường", tuy nhiên bà nhấn mạnh "vẫn chưa đủ các xét nghiệm để cho phép điều này diễn ra". Tuần này, Quốc hội Mỹ sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm nhẹ tác động của dịch. Phe Dân chủ muốn tăng tiền cho các nỗ lực chống dịch bệnh khác như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, tài trợ cho việc nhanh chóng xét nghiệm trên toàn quốc và mua thiết bị bảo hộ y tế cá nhân.
Tổng thống Trump và bác sĩ Fauci trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng. Ảnh: CNN |
Anh: Nguy cơ bị tác động lớn nhất châu Âu
Số ca tử vong vì dịch COVID-19 ở Vương quốc Anh đã lên tới 11.329 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới. Số liệu mới nhất trên đã khiến Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 5 thế giới và một cố vấn khoa học cấp cao của Chính phủ Anh cảnh báo nước này có nguy cơ trở thành nước bị tác động mạnh nhất châu Âu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh có thể giảm 30% trong quý này vì các biện pháp phong tỏa do dịch COVID-19. Theo ông Sunak, có rất ít hy vọng các hạn chế sẽ sớm được dỡ bỏ.
Pháp gia hạn lệnh phong tỏa
Ngày 13/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5. Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân, đưa trở về nước hàng chục ngàn công dân Pháp bị mắc kẹt ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.
Tổng thống Macron cũng thông báo việc xét nghiệm trên diện rộng sẽ được thực hiện trong những tuần tới, nhất là đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và người có sức khỏe yếu. Kể từ 11/5, Pháp sẽ có thể điều trị cho tất cả những người có triệu chứng nhiễm virus.
Tới ngày 13/4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14.967 người ở Pháp, bao gồm 9.588 ca tử vong tại các bệnh viện - tăng 335 trường hợp trong 24 giờ qua, và 5.379 ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội - tăng 239 trường hợp.
Italy: Số ca tử vong vượt mốc 20.000 người
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết ngày 13/4, nước này đã ghi nhận thêm 3.153 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên 159.516 trường hợp. Như vậy, số ca bệnh mới được ghi nhận ở Italy nằm ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4. Trong khi đó, số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy trong 24 giờ qua đã tăng thêm 566 người, lên tổng cộng 20.465 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 trường hợp (giảm 83 ca). Ngoài ra, Italy hiện ghi nhận 28.023 ca nhập viện và 72.333 ca cách ly tại nơi ở.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rome, Italy ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Nga cân nhắc huy động nguồn lực Bộ Quốc phòng chống COVID-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 cho biết tình hình dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn và Nga có thể huy động các nguồn lực của Bộ Quốc phòng để đối phó cuộc khủng hoảng này nếu cần. Tổng thống Putin nêu rõ tình hình đang thay đổi liên tục và vài tuần tới sẽ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Ông Putin đánh giá số người mắc bệnh nặng ngày càng tăng và chính quyền cần tính đến mọi phương án, cả những kịch bản khó khăn và bất thường nhất "để linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chiến lược và chiến thuật hành động của chúng ta, trước tiên là chăm sóc y tế cho người dân”. Tuy nhiên, Tổng thống Putin lưu ý rằng Nga đã có thể thực hiện các biện pháp chủ động trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Để tiếp tục hành động một cách chủ động, cần có các dự báo “tốt và chuyên nghiệp”.
Tính đến nay, tổng số bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở Nga đã lên tới 18.328 người, trong đó 148 người đã tử vong.
Cùng ngày 13/4, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn ngân sách sửa đổi cho năm 2020, do chính phủ soạn thảo nhằm ứng phó với tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngân sách sửa đổi sẽ khiến thâm hụt tăng lên 7,5% GDP, trong khi mục tiêu đặt ra trước đó là 2,1%. Bộ Y tế dẫn số liệu của Trung tâm Y tế cộng đồng cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 325 ca nhiễm, đưa tổng số người nhiễm lên 3.102 ca. Đến nay, Ukraine đã ghi nhận 93 ca tử vong.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal phát biểu tại phiên họp khẩn của Quốc hội về ảnh hưởng của dịch COVID-19 ngày 30/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đức: Đa số người dân muốn tiếp tục "giãn cách"
Phần lớn người dân Đức mong muốn chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn triệt để sự lây lan của dịch COVID-19. Đây là kết quả một cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu YouGov tiến hành, công bố ngày 13/4. Cuộc thăm dò cho thấy nhiều người dân Đức đang "cảnh giác" với việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội quá sớm. 44% số người được hỏi cho biết họ muốn chính phủ liên bang tiếp tục gia hạn các biện pháp hạn chế sau ngày 19/4, trong khi 12% ủng hộ việc tăng cường và siết chặt hơn. Cuộc thăm dò cũng cho thấy số người ủng hộ việc nới lỏng giãn cách xã hội chiếm 32% và 8% cho biết họ muốn chính phủ bãi bỏ các biện pháp phong tỏa. Ngoài ra, 78% người được hỏi khẳng định họ đang tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định về hạn chế tiếp xúc xã hội, trong khi 18% cho biết chỉ tuân thủ một phần các quy định và số người không thực hiện chiếm 2%. Dự kiến vào ngày 15/4, Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc thảo luận với thủ hiến các bang ở Đức về tình hình dịch bệnh, cũng như xem xét tiến hành các bước tiếp theo sau khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh kết thúc vào ngày 19/4 .
Tính đến 6h sáng 14/4 giờ Hà Nội, nước Đức đã ghi nhận 129.207 trường hợp mắc bệnh, 3.118 ca tử vong và 64.300 người khỏi bệnh.
Tây Ban Nha nới lỏng các biện pháp hạn chế
Trong một động thái phản ánh tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, ngày 13/4, Chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế sau hai tuần áp dụng trên toàn quốc. Theo đó, các hoạt động “không thiết yếu” như văn phòng, xây dựng, công nghiệp đã được phép hoạt động trở lại.
Cùng với đó, Tây Ban Nha tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 như thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu người dân tuân thủ việc sử dụng chất khử trùng và đeo khẩu trang … Các lực lượng chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định trên đường phố, phát miễn phí 10 triệu khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, tiếp tục duy trì đóng cửa trường học, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà hàng và quán bar.
Nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly dành cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Barcelona, Tây Ban Nha ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo thông báo ngày 13/4 của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 419 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 17.628 ca. Tổng số ca mắc tăng lên 169.628 ca., xếp thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Vào thời kỳ đỉnh điểm, số bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ban Nha tử vong lên tới gần 1.000 người trong một ngày.
Dịch cũng đang tiếp tục dịu đi tại Iran, với thêm 111 ca tử vong trong ngày 13/4 và 1.617 ca nhiễm virus mới. Như vậy đến nay Iran có 73.303 ca mắc COVID-19 và 4.585 ca tử vong.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani chủ trì cuộc họp nội các tại Tehran ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nhật Bản: Số ca nhiễm mới dưới 100 người
Ngày 13/4, truyền thông Nhật Bản đưa tin thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 91 ca. Như vậy, số ca nhiễm mới ngày 13/4 đã giảm so với con số 166 ca nhiễm mới một ngày trước đó và đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức dưới 100 trong vòng 1 tuần qua. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Tokyo là 2.159 ca. Đặc biệt, số ca nhiễm ở nhóm trẻ tuổi và không rõ nguồn lây gia tăng. Hồi tuần trước, Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 tỉnh khác, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Cũng trong ngày 13/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ nước này hiện chưa nhận thấy lý do gì để mở rộng lệnh tình trạng khẩn cấp.
Trung Quốc thử nghiệm vaccine thứ hai phòng ngừa virus SARS-CoV-2
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã phê duyệt giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng vaccine bất hoạt ngừa virus SARS-CoV-2. Đây là vaccine thứ hai do các chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu và phát triển nhằm ngừa SARS-CoV-2 và đã được phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Hồ sơ xin phép của Viện Sinh phẩm Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Sinopharm của Trung Quốc đã được phê duyệt sơ bộ để tiến hành giai đoạn thứ nhất và thứ hai của chu trình thử nghiệm lâm sàng.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại phòng áp lực âm bệnh viện Daegu, Hàn Quốc ngày 18/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Hàn Quốc: 116 bệnh nhân dương tính sau khi đã khỏi
Trong khi đó, ngày 13/4, Hàn Quốc công bố số liệu thống kê, theo đó nước này tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở mức thấp, chỉ 25 ca so với 32 ca một ngày trước đó. Như vậy, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc tính đến nay là 10.537 và số ca tử vong là 217 ca (với 3 ca ghi nhận trong ngày 12/4). Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn trong 24 giờ qua là 79 ca, nâng tổng số bệnh nhân bình phục được xuất viện lên 7.447 người.
Tuy nhiên, ít nhất 116 bệnh nhân nước này có kết quả dương tính với virus SARS-COV-2, dù trước đó đã xét nghiệm âm tính sau một thời gian điều trị. Số ca dương tính trở lại ngày càng tăng khiến nhà chức trách hết sức quan ngại trong bối cảnh nước này đang nỗ lực dập dịch. Giới chức y tế Hàn Quốc đang tìm hiểu nguyên nhân khiến những ca bệnh này dương tính trở lại với virus SARS-COV-2.
Tại Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng thông báo tăng ngân sách y tế trong năm nay và dành gần một nửa trong tổng chi ngân sách cho các dự án xây dựng kinh tế. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại nền kinh tế vốn đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế. Trong phiên họp ngày 12/4, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) dự báo thu nhập của nước này năm nay sẽ tăng 4,2% và chi tiêu tăng 6% so với năm ngoái. Chi tiêu cho các dự án xây dựng kinh tế tăng 6,2% và chiếm 47,8% tổng chi ngân sách. Riêng chi tiêu cho y tế, Triều Tiên thông báo tăng 7,4% trong năm nay, phản ánh nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 hiện nay
Nhân viên phun thuốc khử trùng phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 1/4/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 13/4, Philippines ghi nhận 4.932 ca mắc COVID-19, vượt qua Malaysia vốn liên tục dẫn đầu về tổng số ca nhiễm virus từ đầu dịch. Như vậy Philipines trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao nhất tại Đông Nam Á, và đứng thứ hai về số bệnh nhân tử vong, với 375 ca, chỉ sau Indonesia. Cùng ngày, giới chức thủ đô Manila, Philippines cho biết đã bắt đầu mở rộng quy mô xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tiến hành hơn 1.600 xét nghiệm mỗi tuần với những người có triệu chứng nặng để xem họ có nhiễm virus hay không.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi đó, người dân Thái Lan ngày 13/4 lặng lẽ bước vào Năm Mới theo Phật lịch khi toàn bộ đất nước trong tình trạng “phong tỏa mềm” và lệnh giới nghiêm vào ban đêm để phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh đường hô hấp cấp COVID-19. Để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan mất kiểm soát, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước.