Điểm thi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình - bất thường và bình thường
Điểm thi Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: Vũ Tuấn
Lẽ ra là bất thường khi điểm thi của thí sinh các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình từ "đỉnh cao" năm ngoái bỗng chốc tụt xuống "vực sâu" năm nay. Nhưng không phải vậy, hầu như ai đón nhận tin này cũng cho là bình thường.
Bình thường có lẽ là vì với sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục và sự giám sát của toàn xã hội, điểm thi dường như đã được trả về đúng với thực lực.
Còn nhớ năm 2018, ba tỉnh miền núi phía Bắc khiến cả nước ngỡ ngàng lọt tốp đầu toàn quốc về số thí sinh có điểm thi môn toán đạt 9 điểm trở lên. Còn nếu tính theo tổ hợp xét tuyển ĐH, nhiều thí sinh ở những tỉnh này cũng lọt vào danh sách có tổng điểm cao vút: 26-27.
Chính sự bất thường này, cộng với những dị nghị về các "thủ khoa" nhưng lực học ba năm trung học phổ thông không cao, không được bạn bè "tâm phục khẩu phục" đã dẫn đến các cuộc điều tra, phân tích, mổ xẻ.
Bắt đầu từ việc hai giáo viên ở Hà Nội phân tích những điều bất thường trong phổ điểm của thí sinh ba tỉnh, tiếp đó là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để rồi vụ án gian lận thi cử trong ngành giáo dục dần lộ sáng với những tình tiết động trời...
Mùa thi 2019 diễn ra trong bối cảnh vụ án nâng điểm vẫn đang trong quy trình tố tụng, những âu lo, hồ nghi của toàn xã hội vẫn còn đó. Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, công bằng, từ việc điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, tăng cường kiểm tra, giám sát với tần suất dày đặc, nhất là đối với các địa phương "có vấn đề", đến việc siết các khâu ra đề, coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi...
Kể cả việc chậm công bố đáp án, dù gặp phải không ít phản ứng từ dư luận, bộ vẫn kiên quyết làm để "cẩn tắc vô áy náy".
Thời điểm công bố điểm thi, mọi con mắt đổ dồn về Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình...
Và điều bất thường của năm trước đã trở về bình thường năm nay. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về điểm thi THPT quốc gia 2019, trong tốp 10 tỉnh thành có điểm trung bình các môn thi thấp nhất luôn có mặt Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Ở môn toán, Sơn La xếp chót bảng 63 tỉnh thành với điểm trung bình 3,5; Hà Giang thứ 62 (3,69); Hòa Bình thứ 61 (4,14). Không tỉnh nào có thí sinh đạt điểm 10 môn toán. Với môn ngoại ngữ, lịch sử và địa lý, ba tỉnh này cũng ở vị trí đội sổ. Kết quả này không làm ai bất ngờ!
Vẫn còn quá sớm để đánh giá một mùa thi thành công. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong mấy ngày thi, quá trình chấm thi và công bố kết quả thi, có thể nói rằng mùa thi đã tiệm cận được mục tiêu nhẹ nhàng, an toàn.
Không ít người lâu nay gọi Bộ GD-ĐT là "bộ thi" khi bộ này liên tục sửa đổi, điều chỉnh quy chế thi. Nhưng kỳ thi sẽ về đâu nếu không có những sửa đổi, cải tiến để hướng tới đích cuối cùng, đó là sự nghiêm túc, công bằng?
Việc cải tiến, sửa đổi quy chế thi, công tác tổ chức thi, do vậy vẫn luôn cần được đặt ra đối với ngành giáo dục, không chỉ với mùa thi năm nay và không chỉ với kỳ thi THPT quốc gia. Bởi vì thi, xét cho cùng, cũng là học, một môn học rất đặc thù về tính kỷ luật, sự trung thực.
Mỗi người trong cuộc đời đều phải trải qua vô vàn kỳ thi, có kỳ thi trong trường học lẫn kỳ thi trong trường đời, mà ở đó không thể có chỗ cho sự gian dối, lọc lừa.