Dệt may vẫn chật vật vì Covid-19

Thời điểm này, nhẽ ra là thời điểm nhộn nhịp cho ngành dệt may, song các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.
Dệt may nguy cấp thế nào vì Covid-19? Ngành dệt may chuyển mô hình sản xuất để tìm “cửa sống”

Đơn hàng không ổn định

Theo báo cáo của Bộ Công thương, sản xuất dệt tháng 8/2020 tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản xuất trang phục tháng 8 năm nay tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý không chắc chắn về diễn biến tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của các hộ gia đình dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các doanh nghiệp cũng chững lại.

Về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý 3/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.

5722 img 4079
Ngành dệt may vẫn chưa hết khó khăn vì dịch Covid-19.

Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho đi nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo đang chững.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần.

"Một số doanh nghiệp đã nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho tháng 9/2020, các tháng còn lại của năm 20120 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng'', Bộ Công thương cho biết.

Theo dự báo, những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn khi các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp gần như không có đơn hàng.

Trước đó, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2020, thị trường xuất khẩu dệt may có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước; giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm. Bên cạnh đó, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may lao đao

Các mặt hàng xuất khẩu và kinh doanh nội địa đều bị ảnh hưởng vì dịch bệnh tác động tới kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của tất cả các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Hiện tại, các doanh nghiệp đều đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2020. Hầu hết các doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thấp hơn so với dự kiến.

5750 img 40710 2 xong
Sự sát cánh vượt qua khó khăn giữa người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp lúc này là vô cùng quan trọng.

Cụ thể, Tổng Công ty CP May Việt Tiến sau 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận doanh thu giảm gần 670 tỷ đồng, tương đương giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm chỉ bằng 7% so với kết quả cùng kỳ và lượng hàng tồn kho tăng thêm gần 300 tỷ đồng so với đầu năm.

Tương tự, Công ty CP May Sông Hồng, 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 55% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp dệt may, kết quả kinh doanh nói trên không bất ngờ bởi doanh nghiệp đều đã lường trước những thách thức, khó khăn có thể xảy ra ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2020. Đặc biệt là nhóm ngành sản xuất dệt may cũng đã được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Để xoay sở trước tác động nặng nề của dịch bệnh, các doanh nghiệp đã phải thực hiện cắt giảm các chi phí không cần thiết. Đặc biệt, đích thân lãnh đạo doanh nghiệp bằng mọi cách tìm kiếm đơn hàng, có khi nhận cả những đơn hàng nhỏ lẻ hoặc mặt hàng mới chưa từng sản xuất trước đó…

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải luôn động viên người lao động phải sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn chứ không còn đòi hỏi quyền lợi hay có tâm lý nhảy việc. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cố gắng hạn chế thấp nhất cắt giảm nhân công, người lao động.

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Văn Huy
Phiên bản di động