Đề xuất nâng mức phạt hành vi thao túng thị trường chứng khoán
5 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trên HNX trong tháng 5 Vingroup niêm yết bổ sung khối cổ phiếu hơn 1.500 tỷ đồng Cựu Chủ tịch Công ty PIV bị phạt 600 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu |
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, chiều 6/6, Quốc hội nghe Chính phủ trình Tờ trình dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình. |
Theo Tờ trình của Chính phủ, về điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, quy định điều kiện về quy mô của đợt phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định trong Luật. Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, dự thảo Luật quy định đợt chào bán được coi là thành công khi cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư đạt tối thiểu 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán; tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
Đồng thời, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng đã tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Dự thảo đã nâng vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, bảo đảm lựa chọn những công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, đối với công ty đại chúng, dự thảo luật sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông (có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ) cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; đồng thời, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.
Về thanh tra, xử lý vi phạm, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, dự thảo Luật bổ sung một số quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Cùng với đó, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, dự thảo quy định về mức phạt tối đa theo hướng: Đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đối với vấn đề chào bán chứng khoán, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng việc nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng và điều kiện trở thành công ty đại chúng là cần thiết để nâng cao chất lượng, sự ổn định của cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như quy mô thị trường chứng khoán hiện tại. Mặt khác, với tính chất phức tạp và rủi ro của thị trường chứng khoán quy định nâng mức vốn điều lệ sẽ hạn chế những rủi ro cho các doanh nghiệp có khả năng tài chính còn thấp khi tham gia vào thị trường.
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại có 81,04% công ty đại chúng có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên, do đó việc tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 30 tỷ đồng sẽ chỉ tác động đến khoảng 18% các công ty đại chúng đang hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của điều Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn nữa cơ sở của việc đưa ra đề xuất về mức vốn trên, đồng thời đánh giá đầy đủ tác động về kinh tế, xã hội của quy định này đối với các đối tượng liên quan.
Về thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đa số ý kiến đồng tình với quy định nâng mức phạt tiền tối đa về xử phạt hành chính để bảo đảm tính răn đe do tính chất, mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng và tài chính nói chung ngày càng phức tạp và tinh vi, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cần lưu ý hướng dẫn rõ việc xác định khoản thu trái pháp luật để có cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 132 của dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình cơ sở đề xuất mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi giao dịch nội bộ và giao dịch thao túng thị trường chứng khoán, rà soát các quy định liên quan; đồng thời, bổ sung điều khoản giao Bộ Tài chính quy định việc xác định các khoản thu trái pháp luật nêu tại dự thảo Luật.