Đề xuất lập cơ quan chuyên trách quản lý thuế các doanh nghiệp lớn
Doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 29 tỷ USD Doanh nghiệp lớn mong muốn Chính phủ làm gì sau khủng hoảng |
Chia sẻ tại một buổi hội thảo mới đây, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện tại cả nước có 561 doanh nghiệp lớn, bằng 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thì số thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2019 đạt 180,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,65% tổng thu ngân sách nội địa.
Nếu tính bao gồm cả các công ty con trực thuộc 561 doanh nghiệp này, gồm 2.500 doanh nghiệp (chiếm 0,33% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) thì số thu ngân sách Nhà nước năm 2019 đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu ngân sách năm 2019 (không bao gồm thu từ quyền sử dụng đất, thu cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại cho phần vốn Nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết).
Theo ông Phụng, mặc dù vị trí của các doanh nghiệp lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một cơ chế, chính sách ưu tiên dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này; các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, lao động hay giải quyết các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh… thường ưu tiên các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa |
“Cơ quan thuế đang hướng đến coi người nộp thuế là đối tượng để phục vụ. Tuy nhiên các doanh nghiệp lớn là những khách hàng đặc biệt quan trọng, lại chưa có một cơ chế ưu tiên hay ưu đãi khác biệt so với phần còn lại. Công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế hay giải quyết vướng mắc, xử lý khiếu nại về thuế hiện nay tại cơ quan thuế cũng không phân biệt theo quy mô hay nhóm người nộp thuế lớn”, ông Phụng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, xuất hiện nhiều các doanh nghiệp quy mô lớn không chỉ là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.
Vì vậy, theo ông Phòng, việc phát triển ngày càng lớn mạnh của các doanh nghiệp lớn đòi hỏi công tác quản lý thuế cũng phải được nâng cao, cơ chế hỗ trợ nhanh, điều phối kịp thời.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Anh - chuyên gia cao cấp về thuế (Ngân hàng Thế Giới) cho rằng, việt Nam cần thiết thành lập một đơn vị quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn với đầy đủ các chức năng.
Theo ông Việt Anh, đa số các cơ quan thuế trên thế giới đã xây dựng các đơn vị quản lý thuế có đầy đủ chức năng tại trụ sở chính để trực tiếp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn. Vị này cũng đưa ra ví dụ các nước có trình độ phát triển thấp hơn Việt Nam như Campuchia, Lào và Myanmar đều có đơn vị quản lý doanh nghiệp lớn.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, kinh tế số và nhiều mô hình kinh doanh mới sẽ phát triển rất nhanh; số tập đoàn đầu tư kinh doanh tại Việt nam sẽ ngày càng tăng, gồm cả tập đoàn tư nhân Việt Nam, do đó ngành thuế phải đối mặt và xử lý nhiều vấn đề có tính toàn cầu.
Ông Cung đánh giá các tổ chức kinh tế lớn ở Việt Nam chiếm khoảng 0,3% số tổ chức kinh tế nhưng đóng góp hơn 45% thu ngân sách và có thể gia tăng; kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực gần như không giới hạn không gian; nguồn doanh thu và thu nhập rất đa dạng; cơ cấu tài chính phức tạp; cơ cấu tổ chức và mối quan hệ nội bộ phức tạp, tinh vi, nhiều tầng nấc; có thể thay đổi liên tục; ít trốn thuế nhưng nhiều rủi ro tránh né thuế; chuyển giá... Xét về thu ngân sách, thì đây là nhóm đối tượng có rủi ro lớn cho ngân sách (cả chủ quan và khách quan).
Cũng vì vậy, ông Cung đề xuất giải pháp trong thời gian tới ngành thuế cần có bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền và năng lực quản lý thuế đối với các tổ chức kinh tế lớn. Nâng cao vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Vụ quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, chuyển thành Cục Quản lý các tổ chức kinh tế lớn.
Ngoài ra, đại diện một số đơn vị kiểm toán như Công ty TNHH Deloitte, Công ty TNHH KPMG cũng đều cho rằng các doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình tập đoàn ở nhiều địa bàn khác nhau nên đôi khi việc hướng dẫn, tổ chức triển khai các chương trình, chính sách không đồng bộ, thiếu thống nhất; việc xử lý, tổng hợp thông tin phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là khác nhau ở mỗi địa phương; điều này trong một số trường hợp làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, theo các công ty kiểm toán, phần lớn doanh nghiệp lớn đều có hoạt động xuyên biên giới nên cần thiết phải có cơ chế, cách thức quản lý riêng để giúp cho doanh nghiệp lớn tuân thủ nghĩa vụ thuế tốt hơn.