Đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2021 có gì đặc biệt?
Tuyển sinh vào lớp 10 theo hộ khẩu: Học sinh không có cơ hội chọn trường phù hợp với năng lực? |
Đó là nhận định của các giáo viên Tổ chuyên môn Hệ thống giáo dục HOCMAI.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có tổng số 150 câu tương ứng với 150 điểm, tổng thời gian làm bài là 195 phút với 3 phần thi là Tư duy định lượng – Toán học (50 câu hỏi, thời gian làm bài 75 phút), Tư duy định tính – Ngữ văn (50 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút) và Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).
Các câu hỏi của bài thi được đánh số lần lượt từ 1 đến 150 gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với bốn lựa chọn từ các đáp án A, B, C hoặc D và 18 câu hỏi điền đáp án.
Đại học Quốc gia Hà Nội |
Theo các giáo viên của HOCMAI, ở đề thi đánh giá năng lực, phạm vi kiến thức được mở rộng không đơn thuần tập trung vào chương trình lớp 12 như đề tốt nghiệp THPT. Phân bổ tỷ lệ kiến thức trong đề tham khảo như sau: Phần Tư duy định tính: Các văn bản bao phủ trong chương trình lớp 10, 11, 12, ngoài ra còn mở rộng các văn bản ngoài SGK. Phần Tư duy định lượng: Tỉ lệ lớp 10, lớp 11, lớp 12 là khoảng 14%, 20%, 66%. Phần Khoa học: Tỉ lệ lớp 11, 12 khoảng 30%, 70%.
Về phân bổ cấp độ nhận thức trong đề thi:
Đề thi có sự tích hợp các nội dung kiểm tra đánh giá nhưng không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn. Các kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy.
Nhìn chung, với cấp độ nhận thức các câu hỏi như trên, học sinh trung bình – trung bình khá sẽ không khó để đạt được 50% số điểm trong bài thi.
Câu hỏi không được sắp xếp từ dễ đến khó
Một số điểm đặc biệt trong đề thi được nhận định đó là, trong đề thi tham khảo, các câu hỏi không được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó như đề tốt nghiệp THPT mà sẽ đan xen nhau. Với từng phân môn trong đề tham khảo cũng xuất hiện các hình thức đặt câu hỏi mới lạ, khác biệt so với đề thi tốt nghiệp THPT.
Phần Tư duy định tính: 70% câu hỏi trong đề thi là các câu hỏi đọc hiểu văn bản, để trả lời được các câu hỏi này học sinh phải vận dụng những kiến thức về Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn đã được học. Các văn bản sử dụng trong câu hỏi ngắn nhưng với số lượng tương đối lớn, do đó học sinh cần phải rèn luyện tích cực các kĩ năng đọc, phân tích để tìm được đáp án chính xác nhanh.
Phần Tiếng Việt (chiếm khoảng 26%) có các câu hỏi về kiến thức dùng từ khá khó, học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT trước đây từng bỏ qua phần nội dung Tiếng Việt vì tỉ trọng nhỏ trong đề thi, chính vì vậy học sinh rất dễ mất điểm ở phần nội dung này.
Thí sinh làm bài thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội |
Phần Tư duy định lượng: Câu 1 là câu đọc dữ liệu trên biểu đồ, dạng câu hỏi này chưa xuất hiện trong đề thì tốt nghiệp THPT. Câu 2, 10, 13, 41 là các câu ứng dụng kiến thức đạo hàm, tích phân, mũ, min - max vào giải quyết bài toán liên môn, thực tiễn. Các dạng bài này trong các đề thi THPT quốc gia trước đây đã xuất hiện, nhưng ở đề thi tốt nghiệp THPT 2020 ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên, với độ khó ở mức trung bình thì học sinh dễ dàng vượt được qua các câu hỏi này.
Xuất hiện câu hỏi và cách thức hỏi mới lạ
Phần Khoa học: Bao gồm 5 môn học Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí với 10 câu hỏi/môn, so với đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi tham khảo của ĐHQGHN xuất hiện các câu hỏi với cách thức hỏi mới lạ.
Câu 132 hỏi về độ hụt khối lượng ở môn Hóa: thông qua đồ thị học sinh cần phân tích mối liên hệ giữa độ hụt khối và nhiệt độ nung thì mới có thể giải được bài toán. Việc này đòi hỏi học sinh vừa phải nắm chắc kiến thức cơ bản vừa phải có khả năng tư duy phân tích đồ thị.
Câu 130 là một câu hỏi về điện xoay chiều (chương 3, Vật lí 12) có dạng toán khá quen thuộc và phổ biến trong đề thi THPT quốc gia những năm trước, tuy nhiên với hình thức điền đáp án học sinh buộc phải giải và tìm đáp án chính xác của câu hỏi chứ không thể sử dụng phương pháp loại đáp án như đối với câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn thông thường.
Câu 101, 102, 105, 109, 110 là các câu hỏi về sắp xếp sự kiện, dùng bảng số liệu hoặc sử dụng đoạn văn. Đây là những câu hỏi không yêu cầu học sinh nhớ chi tiết sự kiện nhưng phải có năng lực tư duy để so sánh, sắp xếp các sự kiện theo tiến trình lịch sử.
Việc xuất hiện dạng câu hỏi điền đáp án cùng với cách hỏi mới lại khác so với đề thi tốt nghiệp THPT, học sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải nắm vững kiến thức cơ bản cũng như phải có năng lực đọc hiểu, phân tích, đánh giá mới có thể hoàn thành tốt bài thi.