Đào vàng từ rác thải điện tử

Nhật Bản có ít tài nguyên thiên nhiên nhưng là thị trường đầy triển vọng trong việc biến rác thải điện tử thành mỏ vàng và nhiều kim loại quý khác.
Đào vàng từ rác thải điện tử
Vàng và các kim loại khác được chiết xuất từ rác thải điện tử (Ảnh: Nikkei)

Đại diện một nhà máy ở thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cho biết, họ nhận xử lý lượng lớn bảng mạch điện tử và trang sức mỗi ngày. Các loại rác này sẽ được nấu chảy để lấy vàng và một số kim loại khác.

Theo ước tính, khoảng 3.000 tấn rác thải loại này được nhà máy tái chế mỗi năm. Ông Akio Nagaoka, người đứng đầu nhà máy chia sẻ: “Chúng tôi muốn mở rộng việc thu gom rác điện tử không chỉ ở Nhật, mà còn ở nhiều quốc gia ASEAN. Dự kiến nhu cầu tái chế ở thị trường này sẽ tăng”.

Trong tình hình rủi ro địa chính trị hiện nay tại Trung Đông, vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng thế giới cũng như tại Nhật Bản đã tăng đáng kể.

Giá vàng tăng kéo theo nhu cầu tái chế kim loại để lấy vàng cũng tăng theo. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng 3% từ việc khai thác mỏ.

Nguồn cung từ việc tái chế trong năm 2023 dự kiến tiệm cận với khối lượng 1.293,1 tấn của năm 2020 - con số cao nhất trong thập kỷ qua.

Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. Theo WGC, khoảng 200.000 tấn vàng, đủ để lấp đầy bốn bể bơi 50 mét đã được khai thác trong suốt lịch sử. Với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi kim loại vàng từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Một số doanh nghiệp đang mở rộng năng lực thu gom và xử lý rác thải điện tử này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Công ty Mitsubishi Materials, thuộc tập đoàn Mitsubishi đặt mục tiêu có thể xử lý 240.000 tấn phế liệu mỗi năm vào cuối năm tài chính 2030, tăng so với khoảng 160.000 tấn hiện nay.

Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, khoảng 280 gram vàng có thể được thu hồi từ 1 tấn hoặc khoảng 10.000 điện thoại di động. Quá trình này hiệu quả hơn 56 lần về mặt trọng lượng so với khai thác vàng mới.

Đào vàng từ rác thải điện tử
Hàng năm, hàng triệu tấn rác thải điện tử bị thải ra môi trường (Ảnh: Reuters)

Chính phủ Nhật Bản đang gấp rút thúc đẩy việc tái chế không chỉ vàng mà còn cả các kim loại quan trọng khác; chẳng hạn như kim loại được sử dụng trong xe điện, như một cách để tăng cường an ninh kinh tế.

Tháng 8 vừa qua, Nhật Bản đã đồng ý thiết lập một khuôn khổ chung với ASEAN về tái chế tài nguyên. Từ đó, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các kim loại quan trọng, khi phần lớn các loại kim loại này chỉ có thể khai thác ở một số ít các quốc gia, như Trung Quốc.

Chất thải điện tử hiện là một trong những loại chất thải rắn phát triển nhanh nhất ở các đô thị. Ước tính, mỗi năm thế giới xả khoảng 20 - 50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị. Đó một phần là bởi những nhà sản xuất smartphone với chu kỳ mỗi năm ra ít nhất một phiên bản smartphone đời mới lại tạo ra cuộc chạy đua lên đời điện thoại cho người dùng.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), mỗi ngày có đến hơn 416 nghìn thiết bị di động và 142 nghìn máy tính được không còn giá trị sử dụng được đưa vào quy trình tái chế hoặc thải bỏ trong các bãi chôn lấp và lò đốt rác.

Trong chất thải điện tử có chứa số lượng lớn chì mà nếu thải ra môi trường có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe con người cùng những ảnh hưởng đối với thận, máu cũng như hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.

Các linh kiện bên trong đồ điện tử còn có giá trị rất lớn ngay cả khi thiết bị đó không còn hoạt động được. Người ta thống kê trữ lượng vàng trong 1 tấn rác điện tử nhiều hơn 100 lần so với trữ lượng vàng trong một tấn quặng vàng. Số vàng này hiện chiếm 7% trữ lượng vàng thế giới.

EPA tiết lộ, sẽ có khoảng 9.071,85kg đồng, 9,071kg palladium, 249,48kg bạc và 22,68kg vàng được phục hồi nếu chúng ta tái chế 1 triệu chiếc điện thoại di động. Mặc dù hầu như tất cả các loại chất thải điện tử đều có thể tái chế song tỷ lệ không cao.

Do đó, tái chế rác điện tử không chỉ tốt cho môi trường mà giờ đây nó còn là một ngành có tiềm năng sinh lời cao.

Công nghệ tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam Công nghệ tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam

Ở Việt Nam, hệ thống tái chế rác thải điện tử chính thức xuất hiện từ năm 2010 với một số cơ sở ở quy ...

Trung Quốc thu hàng tỷ USD từ rác thải điện tử Trung Quốc thu hàng tỷ USD từ rác thải điện tử

Theo nhận định của Tổ chức môi trường Hòa Bình Xanh (Greenpeace), giá trị tiềm năng của các kim loại có thể tái chế được ...

Tụê Uyên
Phiên bản di động