Đảo Cù Lao Chàm thực sự đã khô kiệt nước ngọt
Hồ trữ nước ngọt Bãi Bìm trên đào có dung tích khoảng 800 nghìn m3 đã trơ đáy |
Nắng nóng kéo dài suốt 7 tháng nay khiến cho lượng nước ngọt dự trữ trên hồ Bãi Bìm, đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP Hội An đã khô kiệt.
Thiếu nước ngọt trên đảo, khiến hàng ngàn người dân rơi vào tình cảnh khó khăn, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
Bãi Bìm là hồ nước ngọt duy nhất trên đảo, có dung tích khoảng 800 nghìn m3, cung cấp nước cho hơn 2.500 người dân ở 4 thôn gồm: Bãi Hương, Bãi Làng, Bãi Ông và Thôn Cấm. Ngoài ra, hồ này còn cung cấp nước cho một số đơn vị vũ trang và phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hồ chứa này đã bị cạn trơ đáy.
Ông Mai Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, đến nay lượng nước ngọt tại hồ đã cạn, nước ngọt cấp cho bà con thực sự khan hiếm. TP đã chỉ đạo khắc phục lại các giếng khoan và tiếp tục thăm dò khoan thêm thêm giếng lấy nước ngọt cung cấp cho người dân trên đảo.
Riêng thôn Bãi Ông có 200 hộ dân/600 nhân khẩu, đây là thôn khan hiếm nước nhất của xã đảo. Lý do là vì toàn thôn là vùng đá không thể khoan giếng được. Xã đang lên kế hoạch bố trí 4 bồn nước để cung cấp nước cho người dân.
Tuy nhiên, do đảo nằm xa đất liền nên việc cung cấp nước ngọt thực sự đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều người dân phải đi xa hơn 3 km để hứng nước suối mang về dùng |
Nhiều người dân tại thôn Bãi Ông cho biết, phải thức trắng đêm, mang can nhựa lên suối xa hơn 3 km ngồi chờ hứng nước. Mọi người thay phiên hứng từng giọt nước.
Được biết, mỗi ngày Cù Lao Chàm đón khoảng 3.000 ngàn lượt khách ra đảo tham quan. Để đảm bảo nước ngọt phục vụ du lịch, địa phương đã cho khoan đóng giếng tại Bãi Ông lấy nước tại chỗ phục vụ, tuy nhiên nguồn nước ngầm tại đây không đảm bảo yêu cầu.
“Nước có màu phèn đỏ ngầu, khi sử dụng trong sinh hoạt, nước bốc mùi thối kinh khủng. Nhưng không có nước dùng đành chấp nhận thôi” - Anh Trần Văn Tiến, du khách đến từ TP HCM chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp Mai Quốc Bảo cho biết thêm, TP Hội An vừa thống nhất đầu tư 6 tỷ đồng để gia cố chống rò rỉ nước thân đập và đáy hồ Bãi Bìm. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang thuê đơn vị địa chất về khoan dò tìm nguồn nước ngầm, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cung cấp, phục vụ người dân và du lịch.
Hiện nay, những nỗ lực của địa phương vẫn chỉ mang tính nhất thời, giải quyết trước mắt. Về giải pháp căn cơ lâu dài bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ dân sinh và du lịch trên đảo vẫn đang đặt ra áp lực không nhỏ cho chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Nam.